
Đây không phải là cuốn sách có thể đọc nhanh một hơi, sách thích hợp đọc vào một ngày bạn muốn thôi thúc nguồn cảm hứng đang ngủ yên, vào một ngày ý tưởng đi rong và bạn muốn bỏ cuộc, hoặc đối mặt với khó khăn khi bạn vừa nuôi dưỡng đam mê sáng tạo và nuôi chính bản thân mình. Điều kỳ diệu lớn như một kim chỉ nam để làm sao phần sáng tạo của mỗi người luôn tràn đầy năng lượng, luôn có động lực thúc đẩy và phát triển bằng những điều nhỏ bé trong cuộc sống (chứ không phải là thứ to tát, tốt nhất hãy để nó xuất phát từ cuộc sống, thói quen hằng ngày của mình), và làm sao giữa những gươm dao bế tắc - vẫn có thể luôn xem nhẹ những thất bại kia để tiếp tục một dự án sáng tạo khác. Sáng tạo không phải cho ai khác mà là cho chính bản thân mình, được làm được thể hiện, và hoàn thành nó chính là cách mình tôn trọng với ý tưởng và cũng là cách kiên trì với bản thân mình.
"Bạn đã ký một bản hợp đồng chính thức với cảm hứng, và bạn sẽ phải cố gắng theo nó cho tới cùng, mãi mãi đến khi bạn đến được với kết quả không thể tiên đoán được của nó".
(đọc tiếp...)
"Tuyệt nhất là, ở đích đến của cuộc phiêu lưu sáng tạo ấy, bạn sẽ nhận một món quà lưu niệm - một thứ do chính tay bạn làm ra, thứ sẽ mãi mãi nhắc nhở bạn về cuộc hội ngộ với cảm hứng, một cuộc hội ngộ tuy ngắn ngủi nhưng đã làm thay đổi cuộc đời bạn".
Sách được chia làm 6 phần: Lòng can đảm, Phép thuật, Sự cho phép, Lòng kiên định, Niềm tin, Sự thiêng liêng. Đó là những chặn đường tác giả chia sẻ và tâm sự về quan niệm của cô đối với đời sống sáng tạo, làm thế nào để không giết đi "sự sáng tạo" bởi những tham vọng về khả năng của chính mình (kỳ vọng quá lớn vào đứa con tinh thần; muốn bất cứ sản phẩm nào cũng phải là best seller; hay "tôi nhất định phải viết được một tác phẩm ăn khách"...).
Tác giả dẫn chứng nhiều case study mà bất cứ ai cũng sẽ trải qua, như là vì sao ý tưởng đến rồi chợt đi, hay có khi nó "nhảy" từ đầu bạn cắm sang người khác, đến một ngày bạn nhận ra "Ô kìa, đó là dự định mình từng muốn làm".
"Nếu cảm hứng được phép bước vào bên trong bạn một cách bất ngờ, nó cũng sẽ được phép rời đi mà bạn không lường trước được."
"Tốt hơn hết là nói lời tạm biệt với cái ý tưởng đã mất kia với lòng tự trọng, rồi tiếp tục bước tới. Tìm thứ gì đó khác để làm - bất cứ thứ gì, ngay lập tức - và bắt tay vào ngay. Hãy giữ cho mình được bận rộn."
Điều mình thích ở Điều kỳ diệu lớn chính là note được nhiều câu trích dẫn khơi nguồn suy nghĩ cũng như nhiều khía cạnh đáng chú ý khi bạn là người làm sáng tạo (cụ thể là nghề viết).
"Nếu bạn đang tự nuôi mình được và bạn không làm phiền đến ai khác, thì bạn được tự do làm bất cứ thứ gì bạn muốn với cuộc đời mình."
"Bạn đam mê cái gì đủ nhiều để có thể chịu đựng những khía cạnh khó chấp nhận nhất của nó?"
Mình thật sự đã mất gần 1 năm để đọc nốt Điều kỳ diệu lớn, vì có một khoảng thời gian mình không thể tiếp thu được, nhưng bây giờ - khi mình đang tìm cách phát triển bản thân - thì đây thật sự là lúc thích hợp đọc cuốn sách này và dễ dàng cảm thấu nó.