
Đây là lần thứ hai mình đọc cuốn sách này. Lần đầu đọc bản ebook tiếng Anh, lần này đọc bản tiếng Việt, thấy vẫn cuốn hút như lần đầu. Đi tìm lẽ sống là một trong những quyển sách mình có thể đọc một lèo hết luôn (nhưng tiếc là không thể, vì hổng có thời gian đó).
Sách được chia làm hai phần:
(đọc tiếp...)
Phần đầu nói về trải nghiệm của tác giả ở trại tập trung Auschwitz và Dachau. Ông thuật lại những điều ông đã chứng kiến và trải qua, những điều kinh hoàng tưởng như vượt quá giới hạn chịu đựng của con người, nhằm tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào mà những người tù có thể vượt qua hoàn cảnh sống khắc nghiệt đó?
Phải nhấn mạnh rằng đây không chỉ là một tự truyện. Ông dùng những trải nghiệm của mình để giải đáp những chuyển biến tâm lý của người tù: từ lúc vừa bước vào, bị người khác định đoạt số phận, quyết định xem mình sẽ đi về bên trái để trở thành lao động khổ sai, hay về bên phải để bước vào lò thiêu, đến khi phải lao động cật lực trong cái lạnh cắt da cắt thịt, chỉ với hơn 300g bánh mì và một chén súp mỗi ngày, và khi đối mặt với những căn bệnh chết người, điều kiện sống kinh khủng,...
Động lực nào đã làm cho những người tù đó, trước điều kiện kinh khủng như vậy, lại có thể sống sót trở về, thay vì đâm đầu vào hàng rào kẽm gai có điện để tự kết liễu, hay buông xuôi tất cả, nằm yên bất động trên chiếc giường bện đầy nước tiểu và phân chờ chết (thường cái chết sẽ đến trong vòng 48 giờ)?
Những phân tích đó đã giúp ông hoàn thiện liệu pháp ý nghĩa của mình, được miêu tả đầy đủ ở nửa sau của cuốn sách, xoay quanh ý nghĩa của sự tồn tại. Câu nói của Nietzsche được tác giả lặp lại nhiều lần trong cuốn sách: "Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh."
Ông cho rằng con người không cần một sự cân bằng trong nội tâm, mà để tồn tại, họ cần có một sự căng thẳng nhất định, giữa những gì đã hoàn thành và những gì muốn hoàn thành, để phấn đấu và đấu tranh cho một mục tiêu xứng đáng. (Đây là một trong những điều mình tâm đắc nhất khi gấp lại quyển sách).
Chúng ta ai cũng cần có một lý do để sống, nhưng câu trả lời cho câu hỏi: "ý nghĩa của cuộc sống tôi là gì?" thì lại vô định, cũng giống như bạn hỏi Kỳ sư: "nước cờ nào là tốt nhất?". Bởi không tồn tại nước cờ tốt nhất, chỉ có nước cờ tốt nhất trong từng ván cờ, từng thế trận. Tuy nhiên, Frankl đưa ra 3 cách để tìm thấy ý nghĩa cuộc sống: (1) tạo ra một công việc hoặc thực hiện một điều gì đó, (2), trải nghiệm điều gì đó hoặc gặp gỡ một ai đó, và (3) bằng thái độ chúng ta đối mặt với đau khổ.
Quả không sai khi nói đây là quyển sách ai cũng nên đọc một lần trong đời. Đừng tiếc vài tiếng đồng hồ để đọc quyển sách này, biết đâu nó sẽ mang lại cho bạn câu trả lời mà bạn có thể tốn vài (chục) năm để giải đáp?