Giới thiệu sách
Được đóng góp bởi OBook Team

Tinh hoa văn học của nhân loại nào cũng cần được khám phá và tái khám phá. Mỗi tác phẩm lớn là một sự kỳ diệu và mỗi lần ta tìm đến là thực hiện những cuộc phiêu lưu hoan lạc. Đến với tiểu thuyết Đèn Không Hắt Bóng là chúng ta đang bước vào cánh cửa thứ nhất của Tủ sách tinh hoa văn học - cánh cửa với những tác phẩm được dịch trọn vẹn và giới thiệu cả tác giả lẫn tác phẩm trong bối cảnh văn hoá với những đặc điểm thiết yếu - cánh cửa Kiệt Tác. Tiểu thuyết Đèn Không Hắt Bóng là tác phẩm nổi tiếng nhất của Watanabe Dzunuchi được viết trong giai đoạn khoảng năm 1971.

Đèn Không Hắt Bóng không đơn thuần kể về đời sống bệnh viện. Nhìn ở góc độ khác, nó là câu chuyện tình yêu lạnh lùng, bí ẩn và đau đớn. Mối quan hệ giữa Noriko và bác sĩ Naoê phải chăng là tình yêu một chiều? Đứng bên cạnh vị bác sĩ tài hoa, hình ảnh của Noriko khá lặng lẽ. Yêu Naoê, tự nguyện gắn bó với anh, cô vẫn phải chứng kiến hàng loạt mối quan hệ bất thường của Naoê với những phụ nữ khác, từ vợ và con gái của bác sĩ viện trưởng, cô gái quán bar, cho đến nàng ca sĩ ngôi sao… Nhưng đau khổ hơn hết, cô nhận ra Naoê là một pháo đài riêng, không cho cô thâm nhập, ngay cả những giây phút gần gũi nhất cả về thân xác lẫn tình cảm.

Chỉ đến khi Naoê mất đi, bức màn bí mật mới được vén lên. Giữa bao nhiêu phụ nữ vây quanh, Naoê chỉ yêu một mình Noriko. Cô chính là mảnh gương cuộc đời để anh soi vào, là chỗ bấu víu duy nhất trong những cơn đau đớn tuyệt vọng vì cái chết gần kề… Nhưng vì kiêu hãnh và xót thương, anh không bao giờ phơi bày sự thật với cô. Tình yêu bền bỉ của Noriko đã được đền đáp, dù muộn mằn…

Mời bạn đón đọc.

Reviews 10

Tôi đã viết đi viết lại bài này không biết bao lần, lần nào cũng cảm thấy bất lực trước ngôn từ. Đọc sách thấy hay mà khi review lại không lột tả được cái hay của nó, chẳng phải là có lỗi lắm sao?

Cuốn sách xoay quanh một bệnh viện tư Nhật Bản những năm 70 của thế kỷ XX. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Nhật lúc bây giờ với rất nhiều góc khuất của lừa lọc, dối trá, ngoại tình... Mỗi một bệnh nhân là một số phận. Ai trong đó cũng thật bé nhỏ, thật đáng thương trước nỗi đau và sinh mệnh.

(đọc tiếp...)

Nổi bật nhất chính là Naoe- vị bác sĩ thiên tài, người hé lộ cho ta thấy khá nhiều góc khuất của nghề y mà có lẽ hiếm có cuốn sách nào dám lột trần. Nhưng tất cả những điều ấy không giúp xoá đi hình ảnh một Naoe lạnh lùng đến vô cảm, chẳng mấy tận tâm với y đạo cũng như mọi thứ xung quanh.

Naoe là một kẻ truỵ lạc đến đáng ghét. Anh đắm mình vào rượu, thuốc, ma tuý và mọi người đàn bà vây quanh mình. Sức hấp dẫn khó cưỡng từ cả vẻ bề ngoài, tài năng và sự lạnh lùng của anh khiến anh có thể dễ dàng ngủ với họ, bất kể họ là ai. Và cũng chính sức hấp dẫn ấy khiến tôi tò mò đến mức không thể rời trang sách.

Chỉ đến khi bức màn bí mật được vén lên, ta bàng hoàng nhận ra Naoe mới chính làkẻ đáng thương hơn tất thảy. Một bác sĩ thiên tài lại mắc đúng căn bệnh y học hiện đại bó tay. Anh sống truỵ lạc là để tìm kiếm những khoái cảm giúp quên đi những đớn đau cả ở thể xác và tâm hồn, dù chỉ là giây lát. Anh tự xây nên bức tường thành bao bọc mình để che đậy đi cái yếu ớt, bất lực trước sinh mệnh. Anh lạnh lùng trước tất cả để âm thầm lấy mình làm vật thí nghiệm tìm kiếm phương thuốc chữa căn bệnh quái ác. Không cần ai thấu hiểu. Cũng không cần bất cứ sự ghi nhận nào.

Cái chết mà Naoe lựa chọn là minh chứng xác thực nhất cho hình ảnh được lấy làm tiêu đề truyện: Đèn không hắt bóng. Dưới đáy một hồ nước sâu, lạnh lẽo với rất nhiều rễ cây, anh trầm mình để không bao giờ cái xác có thể nổi lên được. Có phải vì anh là thiên tài nên mọi lựa chọn đều thật khác người? Tôi không rõ. Nhưng cái chết ấy đã khiến tôi bật khóc. Nó gieo vào tôi sự ám ảnh tột cùng về sự phù du của kiếp người.

Và đớn đau hơn nữa là tình yêu. Có lẽ đến cuối cuộc đời mình, Noriko cũng không biết Naoe từng thuộc về mình hay chưa. Dù hai người vẫn bên cạnh nhau và Noriko cũng là cô bạn gái “ngoài ánh sáng” duy nhất của Naoe. Trong mối tình ấy, tôi luôn hình dung Noriko giống với hình ảnh một con thiêu thân, chỉ biết lao đầu vào ánh sáng dù đã biết trước mọi điều thiệt thòi nhất sẽ thuộc về mình.

Rất nhiều người khi đọc cuốn sách này thương cảm Noriko, và vì thế, họ ghét Naoe thậm tệ. Nhưng tôi tin Noriko hài lòng, hay ít nhất, cô được an ủi khi mọi hoài nghi, vụn vỡ, đớn đau quanh người đàn ông cô yêu cuối cùng cũng có câu trả lời.

Khi bạn phải trải qua những giai đoạn bế tắc đến cùng cực trong cuộc đời, thậm chí phải đứng giữa ranh giới sinh tử, bạn sẽ hiểu rằng, một sự lựa chọn dù có tồi tệ đến thế nào cũng sẽ vẫn có thể được tha thứ khi nó xuất phát từ nỗi đau. Tôi tin trong câu chuyện đời của Naoe, người tha thứ cho anh không chỉ có Noriko, mà còn là cả ngàn vạn độc giả khác, giống như tôi.

Photo by chị Thanh Hải.

Nhắc đến văn học Nhật Bản thì thời sinh viên chỉ mê Haruki Murakami, cũng đã khá lâu chưa đọc thêm một tác phẩm nào khác. Vài tháng trước thấy mấy bà chị cùng nhau đọc, cùng nhau khen "Đèn không hắt bóng" nên không thể không tìm tới đọc thử một lần. Và vẫn chung một cảm xúc về văn học Nhật, thật buồn!

Bối cảnh câu chuyện chủ yếu xảy ra trong không gian nhỏ hẹp của bệnh viện Oriental, nơi đây có bao nhiêu con người là bấy nhiêu số phận hoàn toàn khác biệt nhau: nghèo khổ, giàu có, trí thức, du đãng....Ngòi bút của Watanabe Dzunichi như vẽ ra một bức tranh thu nhỏ của xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ, và phảng phất đâu đó ta vẫn bắt gặp sự tương đồng với xã hội hiện đại mà ta đang sống. Hệ thống nhân vật được xây dựng khá phong phú và mỗi người đều có một nét tính cách nổi bật. Anh bác sĩ trẻ Kôbasi tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức trách nhiệm nhưng thiếu đi kinh nghiệm sống và sự va chạm với thực tế cuộc đời; bác sĩ trưởng Yutarô lại sống rất thực dụng, đam mê tiền bạc và quyền lực; Nôrikô với trái tim nhân hậu, sẵn sàng nhận phần thiệt thòi về mình vì tha thiết yêu một người đàn ông luôn sống lạnh lùng, khép kín, ...

(đọc tiếp...)

Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Naoê - vị bác sĩ tài năng, đầy bí ẩn đối với tất cả mọi người xung quanh (kể cả bạn đọc), đây cũng là nhân vật gây ra nhiều băn khoăn và tranh cãi. Là một bác sĩ có tiếng tăm ở trường đại học, được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng ông rời bỏ tất cả để chọn làm việc ở bệnh viện tư của Yutarô - một dấu chấm hỏi lớn được đặt ra với đồng nghiệp tuy nhiên cũng không cần thiết phải có câu trả lời vì chỉ cần ông mang lại lợi ích cho bệnh viện. Thế nhưng với cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề công việc cũng như lối sống có phần kì quặc, Naoê dần dần khiến mọi người trở nên khó chịu, ác cảm. Bỏ ngoài tai tất cả, Naôê vẫn sống, làm việc theo cách riêng của mình, tự tạo nên một bức tường vô hình ngăn cách với thế giới xung quanh, kể cả Nôrikô - người phụ nữ mà Naôê gắn bó nhất trong số tất cả những người mà ông cặp kè.

Càng đọc, mình càng không hiểu vì sao vị bác sĩ này lại sống như thế, ông che giấu điều gì sau những tấm phim chụp lại khung xương của chính mình; tại sao ông giận dữ khi Nôrikô dường như từng bước khám phá ra bí mật của ông sau những lần lau dọn nhà; tại sao ông không có ý định nghiêm túc với bất kỳ một người phụ nữ nào mà lại dễ dàng lên giường với tất cả; tại sao ông có vẻ đau đớn và khổ sở trong gian phòng chỉ có một mình, sau mỗi cuộc ái ân chóng vánh... Mọi chuyện được dần dần hé lộ khi vào dịp năm mới, Naôê muốn dẫn Nôrikô về quê ngắm cảnh, ngắm hồ Sikôtsu - nơi ông đã lựa chọn gửi gắm thân xác của mình nằm lại, mãi mãi chìm sâu (và đây cũng là một phần ý nghĩa nhan đề tác phẩm). Mắt mình nhoè lệ khi đọc tới những dòng chữ miêu tả tâm trạng cay đắng của Naôê khi biết Nôrikô muốn sinh con cho mình, khi biết nàng đã có thai. Cho tới những phút giây cuối đời, Naôê đã thật sự mở lòng mình với Nôrikô, điều này cho thấy ẩn sâu sau lớp mặt nạ lạnh lùng kiêu ngạo đó, ông cũng là một người đàn ông khát khao được yêu và được sống. Sau những tháng ngày một mình chống chọi với sự đau đớn về thể xác, vào giây phút sắp rời xa tất cả và cũng coi như một sự giải thoát, có lẽ ông còn đau khổ gấp nhiều lần khi phải từ giã cánh cửa tình yêu đang gọi mời trước mắt. Người ta có thể trách móc, căm ghét con người Naôê vì đã sống buông thả, ích kỷ, phá hoại cuộc đời Nôrikô... Tuy nhiên khi khép lại cuốn sách, mình lại thấy yêu mến và thương cảm cho cuộc đời của một con người tài năng. Chuyện đúng sai ở đời đôi khi thật khó nói. Chỉ trách số phận sao quá nghiệt ngã và trái ngang.

Đèn Không Hắt Bóng là cuốn sách ám ảnh tột cùng về y đạo, về ý nghĩa sinh mạng của Watanabe Dzyunichi.

Nhân vật chính của tác phẩm là bác sĩ Naoe. Một thiên tài mục ruỗng.

(đọc tiếp...)

Anh trái ngược hoàn toàn với hình tượng bác sĩ thân thiện tốt bụng nghiêm trang thường thấy, Naoe là kẻ buông thả trụy lạc vô cùng. Anh đắm mình trong rượu, thuốc, ma túy và đàn bà.

Naoe có thể vớ lấy mọi người đàn bà trước mắt để làm tình. Dẫu mới trước đó anh ta đã ngủ với cô con gái thì ngay sau đó anh ta vẫn có thể ngủ với mẹ cô ta. Trong khoái cảm nhục dục Naoe không nhìn vào bất kỳ khuôn mặt nào chân thực, với anh ai cũng như ai. Khác nhau chỉ là người trước mặt có chịu ngủ với anh không. Mà hình như cũng không ai có thể từ chối anh.

Naoe đẹp, thông minh, tài hoa. Thậm chí từ anh luôn tỏa ra thứ mùi nguy hiểm, thứ mà mọi người đàn bà đều say mê.

Anh dùng đàn bà như một thứ thuốc giảm đau, còn họ cũng chỉ coi anh là một công cụ kích thích. Hai bên không ràng buộc nhau. Không có mối liên hệ nào sâu sắc. Ngoại trừ một cô gái thật lòng yêu anh. Noriko - cô y tá trong bệnh viện Naoe làm, người có thể coi là bạn gái anh.

Tôi dùng từ có thể bởi dường như trái tim Naoe cũng không đặt ở nơi Noriko. Trái tim anh tự do trước tình yêu và nó cũng là một sinh mệnh cô đơn trước vạn vật. Naoe cô đơn như chính cái thế giới mà anh đang sống. Một thế giới lạc lõng không có sinh khí, không sự sống đồng nghĩa với không hy vọng.

Naoe có lẽ cũng đã từng hy vọng căn bệnh của mình sẽ khỏi. Bởi anh vẫn còn rất trẻ, còn cả một tương lai phía trước. Chẳng có ai sinh ra đã muốn chết đi. Chúng ta chỉ đối mặt với nó khi không còn con đường nào để lựa chọn.

Đối diện với cái chết Naoe bất lực và rồi buông thả bản thân. Anh vùi mình vào khoái cảm giả tạo, thứ có thể giúp anh quên đi nỗi đau đớn do bệnh tật mang lại. Dù chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi.

Song song với đời sống trụy lạc của Naoe là những mảnh đời khác, những bệnh nhân khác. Họ có thể già cả neo đơn, có thể khỏe mạnh đủ đầy nhưng tất cả đều đang vật lộn với nỗi đau của mình. Mỗi người chọn một cách khác nhau để sống, cách của Naoe cũng chỉ là một lựa chọn như vậy.

Bệnh viện nơi Naoe sống như một xã hội thu nhỏ. Nó không xa hoa không hoàn mỹ mà đã mục ruỗng thối nát từ bên trong. Đời sống bệnh viện cũng chính là đời sống của xã hội Nhật Bản thu nhỏ. Với đủ mọi ngành nghề, đủ mọi số phận và mọi mảnh đời.

Kể thúc câu chuyện là cái chết của Naoe, tôi xem nó như sự giải thoát cho anh và cho chính tôi. Bởi tôi hiểu nhưng không thể thông cảm với anh. Cách anh chọn buông thả bản thân tôi không đánh giá nó sai hay đúng nhưng về mặt đạo đức nó đi trái hoàn toàn luân thường lẽ phải. Tất nhiên, kết cục của sự "ngược đường" ấy là cái chết, là mọi thứ dừng lại tại giây phút anh trầm mình. Không ai cứu được anh, không ai khỏa lấp được nỗi cô đơn trong anh.

Naoe như ngọn đèn không hắt bóng trong phòng phẫu thuật, sáng lên và lịm đi không để lại một dấu vết nào.

"Đèn không hắt bóng" - 1 quyển tiểu thuyết, 2 lần đọc, và ti tỉ suy nghĩ khác nhau. Hồi còn sinh viên nó là 1 trong số 5 truyện về bác sỹ mà mình thích nhất : Thày Lang, bs Bredo, bác sỹ quái dị ( truyện tranh) , người thày thuốc và nó. Hồi đấy thấy Naoe ngầu thế. Mà các bác sỹ trong những truyện kia cũng có điểm chung là giỏi và..... ngầu. Mà tóm lại thì truyện viết về ngành y thấy nhiều truyện viết về nghề phẫu thuật thế. Chắc tại mấy cái thứ máu me thường làm cho người ta sợ, thành ra bác sỹ ở trong cái khung cảnh máu me ấy thì trông có vẻ oai hơn, dễ lấy được cảm xúc của người đọc hơn. Hehe. Hồi ấy mình ngưỡng mộ các phẫu thuật viên gần chết. Đặc biệt khi đi học ở Việt Đức.

Bây giờ, đâm đầu đi học và hành theo con đường mổ xẻ được 5 năm, thấy cái bóng hào quang của ông Naoe bị cái ông tác giả làm cho thật lòe loẹt. Chắc tại mình nhìn đời nó thực tế hơn rồi. Không ảo diệu như thời sinh viên nữa. Bị đời nó tát cho vênh hết mặt rồi chứ sao.

(đọc tiếp...)

Hồi ấy, thấy cái cảnh ông ý nhốt bệnh nhân vào trong nhà vệ sinh cho đỡ kêu gào, đợi bệnh nhân ngất xỉu rồi mới khâu vết thương. Thấy anh chàng này thật là ngang tàng. Hồi ấy trẻ cho nên thích các anh chàng ngang tàng. Bây giờ, đọc lại lần 2 chỉ thấy các cô y tá Nhật kém thật. Bệnh nhân có vài vết thương sơ sơ vào viện đã xoắn hết cả lên. Y tá Việt Nam mình, thấy bệnh nhân vào viện, máu phun vèo vèo, xử lý nhanh nhoay nhoáy. Ngon luôn. (Không nhanh bệnh nhân tẩn cho thì toi)

Truyện viết về các khía cạnh tiền bạc trong ngành Y cũng khá thấu đáo. Đọc mới biết Nhật cũng có khác gì mình đâu. Đầy vấn đề. Nhưng mà không nên bàn nhiều. Vớ vẩn lại bị cư dân mạng chửi cho là thiếu y đức thì xong. Vấn đề nhạy cảm, bỏ qua.

Trong truyện, ông Naoe là 1 bác sỹ chén rất nhiều cô : cô y tá Noriko, con sếp, bồ sếp, bệnh nhân nữ của mình.( kiểu ăn giày ăn tất ăn cả đất xung quanh). Cuối cùng tự tử chết vì không muốn chết vì ung thư. Sau khi chết viết thư để lại cho cô Noriko, đại loại anh chén rất nhiều em nhưng trong tim anh chỉ có mình em. Anh chén các cô ấy không phải vì lăng nhăng, chủ yếu vì anh sợ chết và không muốn em đau khổ vì yêu anh. Xong phim. Cô gái tội nghiệp ôm mối tình đau khổ đến lúc chết già luôn. Ngày xưa mình khóc rinh rích lúc đọc đoạn cuối. Ngày nay thấy ông này ích kỷ vãi ra. Vẫn là motip cũ mèm kiểu tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở , và chàng trai chỉ thấy mình có giá trị khi có 1 đống phụ nữ vây quanh. Trong đống phụ nữ vây quanh ấy thì trong tim chàng chỉ chứa 1 cô, còn các cô khác là giao lưu vui vẻ. Và các cô gái được các chàng trai dành trái tim mình cho ấy thì lúc nào cũg hiền lành, tội nghiệp, gọi là đến, không gọi thì tự động mà đi, không được phép đòi hỏi, ý kiến ý cò. Vô lý cái là biết người ta yêu mình mà không muốn ngta đau khổ thì cứ ngậm miệng mà ngoẻo đi hoặc chung thủy luôn cho xong. Lại oẳn tà vằn với hết cô này đến cô khác xong chết mới thú nhận. Kiểu để đỡ bị đòi hỏi nhưng chết rồi vẫn muốn được thờ cúng ấy.

Phải mình, hoặc sẽ làm vệ tinh của anh chàng bốc hơi hết, hoặc tự động bốc hơi khỏi đời chàng. Kệ chàng muốn sống hay chết cũng chả liên quan luôn.

Thế mới là truyện còn đời mới là đời. Kể ra thì truyện cũng hay. Đáng đọc.

Đèn không hắt bóng

-Watanabe Dzyunichi-

(đọc tiếp...)

Một câu chuyện về ung thư, về sự sống và cái chết,

Hay một câu chuyện về cuộc đời …

***

Bất kì cuốn sách nào tôi đọc về y học, về những câu chuyện đằng sau chiếc áo blouse tươm tất của người bác sĩ đều không mang lại cảm giác nhẹ nhàng, nó ám ảnh, nó khiến bạn phải suy nghĩ, và đôi khi khiến bạn không thoát khỏi câu chuyện của nhân vật trong một thời gian dài. Cũng như “Khi hơi thở hóa thinh không”, cuốn sách lấy bối cảnh là bệnh viện, xoay quanh cuộc sống của những nhân viên y tế, bệnh nhân và cuộc đời buồn bã của vị bác sĩ tài hoa Naoê chết vì bệnh ung thư xương. Mặc dù vậy, với văn phong đặc trưng Watanabe Dzynichi và Paul Kalanithi đã đem đến cho người đọc những trải nghiệm cảm xúc hoàn toàn đối lập. Paul có Lucy là người đỡ lấy anh, nắm chặt tay mỗi khi anh quằn quại vì cơn đau, cho đến giây phút anh đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết; còn Naoê cô độc đến tột cùng, cái chết của anh ở vùng hồ lạnh giá đến ức thân xác anh chìm sâu xuống đáy hồ chính là đỉnh điểm lấy cảm xúc của độc giả, cảnh tượng miêu tả chân thực, đẹp và buồn, nét đặc trưng của văn học Nhật Bản…

***

Cuốn tiểu thuyết lấy điểm ở việc thâm nhập sâu vào xúc cảm của từng nhân vật, miêu tả chân thực cuộc sống bên trong bệnh viện, mối quan hệ đồng nghiệp, mối quan hệ bác sĩ-y tá và câu chuyện về tình yêu trong im lặng của Naoê và Noriko. Naoê - một bác sĩ thiên tài nhưng luôn giữ thái độ lạnh lùng với mọi thứ xung quanh không phải vì đã chứng kiến đủ sự sợ hãi, đau đớn, mất mát của bệnh nhân mà vì anh đã tự cô lập chính mình bởi căn bệnh ung thư xương, anh dần trở nên cộc cằn, khó tính và thả cảm xúc trong cuộc sống của riêng mình, không để bất kì ai xâm phạm vào.

Noriko – một cô gái thông minh, chu toàn, luôn để mắt và bên cạnh hầu như mọi lúc anh ở bệnh viện. Noriko cố gắng bước vào cuộc sống của Naoê từng ngày, từng bước một dù cho anh từ chối tiếp nhận. Điều gì đã khiến cô không từ bỏ, chính là cảm xúc bên trong mỗi con người.

“Noriko yêu Naoê tất cả đều biết, Naoê yêu Noriko không ai biết”. Chính vì vậy, người ta thương Noriko, người ta ghét Naoê cho đến khi tấm rèm sự thật được vén lên…

***

Kết thúc câu chuyện là tâm lý nặng nề, trăn trở và nhiều suy ngẫm về cái chết của Naoê, về cảm xúc của Noriko với lá thư từ biệt của anh. Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng “Một sự lựa chọn dù có tồi tệ đến mức nào cũng sẽ vẫn có thể được tha thứ khi nó xuất phát từ nỗi đau”.

Thông tin chi tiết
Tác giả Watanabe Dzunichi
Dịch giả Cao Xuân Hạo
Nhà xuất bản Nxb Hội Nhà Văn
Năm phát hành 12-2015
Công ty phát hành Phương Nam
ISBN 8932000117759
Trọng lượng (gr) 462.00 gam
Kích thước 13 x 20.5 cm
Số trang 516
Giá bìa 152,400 đ
Thể loại