Giới thiệu sách
Được đóng góp bởi OBook Team

Cuộc Đời Của Pi

"Mọi việc ở đời có bao giờ diễn ra như ta vẫn tưởng, nhưng biết làm sao. Cuộc đời đem cho ta cái gì thì ta phải nhận cái đó và chỉ còn cách làm cho chúng tốt đẹp nhất mà thôi."

Cuộc đời của Pi mở đầu với lời chào ấn tượng của tác giả, Yan Martel và hành trình tưởng như bế tắc khi ông mò mẫm đi tìm một câu chuyện cho sự nghiệp của mình. Lời chào ngắn ngủi ấy giúp người đọc hình dung được hoàn cảnh ra đời của cuốn sách và chẳng cần thắc mắc gì nhiều đến bối cảnh của câu chuyện. Và như thế, một Ấn Độ từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước sống dậy cùng Pi, cùng vườn thú Poddicherry và cùng những ngày thơ ấu rối rắm và kỳ lạ.

Piscine Molitor Patel, hay bị gọi nhầm thành Pissing cho đến khi cậu tự đặt cho mình biệt danh Pi - con số 3,14 huyền thoại. Ngẫu nhiên thay, cái tên ấy cùng những biến cố sau này đã biến cuộc đời Pi trở thành huyền thoại. Mà ngay cả nếu không phải huyền thoại thì Pi đã là một cậu bé kỳ lạ, đứa trẻ lớn lên cùng những người bạn trong vườn thú và có niềm tin mạnh mẽ vào Thượng đế. Chắc hẳn trên thế giới này, Pi là cậu bé duy nhất theo đến ba tôn giáo: Hindu, đạo Hồi và đạo Cơ đốc. Trong con người Pi, tôn giáo cũng như dân tộc, như quốc tịch và nếu như chúng ta đều tôn thờ Thượng đế thì tại sao lại không thể tin theo nhiều đạo.

Gandhi đã dạy, mọi tín ngưỡng đều là chân lý. Tôn giáo là để giúp chúng ta giữ được nhân phẩm của mình chứ không phải để hạ nhục nó.

Sự thật đã chứng minh rằng chính niềm tin tôn giáo có phần kỳ dị trong mắt người khác ấy của Pi đã giúp cậu sống sót và tồn tại mà vẫn giữ được sự tỉnh táo, thông minh và cứng rắn sau biến cố tưởng như có thể vắt kiệt mọi sinh mạng sống.

Piscine Molitor Patel, tên thường gọi là Pi, quốc tịch Ấn Độ, là người sống sót duy nhất trong vụ đắm tàu Tsimtsum ngày 2 tháng 7 năm 1977, đã lênh đênh trên biển suốt 227 ngày với xuồng cứu hộ và một con hổ Bengal tên là Richard Parker. Nói như Ravi - anh trai của Pi, thì là "Phiêu lưu đang vẫy gọi", chỉ có điều 227 ngày phiêu lưu này cũng là 227 ngày đấu tranh và giành giật sự sống trên bề mặt mênh mông của Thái Bình Dương.

Cuộc Đời Của Pi là một cuốn sách nhỏ, không quá dày và không nổi bật với bìa sách màu xanh biển mênh mông có đàn cá làm nền cho chiếc xuồng cứu hộ. Pi và Richard Parker nằm trên hai đầu của chiếc xuồng ấy, lặng lẽ và tuyệt vọng với cái chết rình rập quanh mình.

"Lí do sự chết cứ bám riết lấy sự sống như vậy ko phải là vì nhu cầu sinh học - đó là sự ghen tị. Sự sống đẹp đến nỗi sự chết đã phải lòng nó, một mối tình tư vị đầy ghen tuông quắp chặt lấy bất cứ thứ gì nó có thể động đến."

Pi và Richard Parker tồn tại bên nhau, duy trì sự sống cho nhau và khuất phục nhau. Pi cho Richard Parker đồ ăn, thức uống để sống. Richard Parker cho Pi lý do để không buông mình tuyệt vọng nhưng cũng chẳng hề hi vọng (thật khó để giữ cho mình hy vọng sau chuỗi ngày dài cô đơn trên biển cả mờ mịt). Cứ thế, cặp đôi đồng hành lăn qua lăn lại giữa lằn ranh sống chết, quật qua quăng lại giữa bão biển và những cơn đói mặn chát... để trở về và chia ly không một lời từ biệt.

Cuộc Đời Của Pi, hay đúng hơn, là câu chuyện Pi Patel tự thuật về cuộc đời mình và Yan Martel là người ghi lại cảm xúc, hành động, khát vọng sống,... Trong câu chuyện ấy không có phép lạ, không có điều kỳ diệu, Pi chỉ có đức tin và lời cầu nguyện để giữ lại cái phần người cho chính mình.

"Khi chính cuộc sống của ta bị đe dọa, ý thức thương cảm bị cùn đi bởi một thèm khát sống đầy ích kỷ". Và, trong một phiên bản nhân hóa đáng tin hơn thì câu chuyện của Pi kỳ lạ, hoang đường, trần trụi đến tàn khốc khi mô tả bản năng của con người qua hình ảnh những con vật. Nhân hóa ấy hợp nhất Pi - một cậu bé ăn chay 16 tuổi với đức tin vào Thượng đế, cầu nguyện ba lần một ngày - với Richard Parker - một con hổ Bengal nặng 450 pound mạnh mẽ, tàn bạo và hoang dã.

Khi trang sách khép lại, những gì còn lại cho người đọc hẳn không nhiều, bởi, câu chuyện về sinh tồn trong tuyệt vọng vốn không còn xa lạ trong phim ảnh, sách báo nữa. Yan Martel đã hoàn thành trọng trách của một người kể chuyện, còn Pi - đã trưởng thành và sống hạnh phúc cùng gia đình nhỏ của mình - không còn là huyền thoại xa vời mà chỉ như một dấu ấn mờ mịt trong muôn ngàn sinh mạng đang tồn tại trên thế giới này. Đến cuối cùng, đâu là thực, đâu là ảo giác? - Chắc chẳng quan trọng nữa rồi. Pi vẫn sống cùng niềm tin đa tôn giáo, cùng triết lý kỳ lạ về con người và sự sống, cùng gia đình nhỏ bên người vợ xinh đẹp và hai đứa con - Một cái kết có hậu cho người đã mất đi tất cả trong cuộc phiêu lưu đáng sợ nhất đời mình.

©

Giải thưởng: Giải Man Booker năm 2002. Giải thưởng văn học dịch Hội Nhà văn Hà Nội. Giải thưởng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam

Sau vụ đắm tàu bi thảm, Pi, cậu bé 16 tuổi con một giám đốc sở thú cùng gia đình đi Canada, thấy mình là kẻ sống sót duy nhất trên một chiếc xuồng cứu nạn nhỏ bé dập dềnh giữa Thái Bình Dương. Cùng với một con ngựa vằn đau khổ (gẫy một chân), một con linh cẩu lông đốm độc ác liên tục kêu yip yip, một con đười ươi cái nôn ọe vì say sóng và đặc biệt một con hổ Bengal nặng 450 pound, Pi đã lang thang trên đại dương suốt 227 ngày, hy vọng rồi tuyệt vọng, trải qua những điều hài hước nhất, kinh khủng nhất, hoang tưởng nhất, đáng sợ nhất...mà một con người có thể gặp trong đời. Trí tưởng tượng không giới hạn, vốn hiểu biết dày dặn, sự trải nghiệm sâu rộng, nghệ thuật kể chuyện bậc thầy, đó là những yếu tố đã giúp Yann Martel viết nên một trong những cuốn sách đáng đọc nhất của văn học thế giới đương đại.

"Cuộc đời của Pi là hắc ảo thuật song hành cùng hiện thực, một ngụ ngôn tinh tế và công phu về đức tin dưới nhiều tầng lớp" - Irish Time

"Nếu thế kỷ này sản sinh ra một tác phẩm kinh điển để lại cho hậu thế, Martel là một ứng cử viên nặng ký" - The Nation

"Những người nào tin rằng nghệ thuật hư cấu đang hấp hối hãy để họ đọc Yann Martel cho họ mở rõ con mắt" - Canongate

"Có một chút gì như là truyện biển, lướt nhẹ qua chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, còn lại tràn đầy là thiên tài kể chuyện đã làm nên tiểu thuyết của Martel"

Reviews 21

Life Of Pi là một câu chuyện kỳ lạ. Nó bắt đầu thu hút tôi bằng kết thúc. Sau đó tôi lại bắt đầu tìm ngược lên rồi bị cuốn vào câu chuyện lại từ đầu. Lần nào đọc lại tôi cũng có cảm giác như thế.

Pi cũng là một cậu bé kỳ lạ. Một cậu bé có tên có thể diễn giải bằng một chuỗi các con số, nỗi kinh sợ của tôi - một đứa không hiểu sao trên đời cần có môn Toán.

(đọc tiếp...)

Nhóc Pi còn là một tín đồ của tôn giáo. Tôi gọi thế vì thứ Pi yêu thích là tôn giáo nói chung chứ không hẳn mà một “Đạo” nào đó. Cậu bé đặt Chúa Kito cạnh đức Thích Ca Mầu Ni, rồi bên cạnh còn có Thánh Alla tôn kính... Họ đều ngang hàng nhau, đều là một thực thể đáng sùng bái trong lòng cậu bé. Thế nhưng các nhà truyền giáo lại cho rằng cậu đang giễu nhại họ và Pi gặp chút rắc rối với tôn giáo của mình. Nhưng rồi cậu vẫn sống theo cách mà cậu muốn. Một cậu bé tự do trong tâm tưởng, hoàn toàn.

Tôi khá thích quãng thời gian gia đình Pi còn ở quê nhà. Nó êm ả và đẹp đẽ biết bao. Gia đình cậu cũng hạnh phúc biết bao. Nhưng rồi biến cố ập đến, Pi mất cha mẹ, mất anh trai trong chuyến vượt biển kinh hoàng. Thứ cậu còn lại là di sản cuối cùng, những con thú trong vườn bách thú của cha cậu.

Những con thú giờ đây cùng Pi trên một con thuyền cứu sinh nhỏ. Mỗi kẻ chiếm cứ một góc, đề phòng lẫn nhau, vì sống còn.

Pi không chỉ đối mặt với cái đói cái khát và nguy cơ lạc đường giữa biển mà còn phải bảo vệ mình trước những rình rập của lũ thú đói. May mắn, không phải con vật nào trên thuyền cũng ăn thịt. May mắn, lũ thú ăn thịt có thể ăn những con không đủ sức vượt biển trước tiên.

Pi tạm thời an toàn.

Nhưng cậu nhóc kỳ lạ không yên tâm với an toàn đấy. Cậu tìm cách lôi kéo đồng minh, kẻ mạnh nhất trên thuyền – con hổ Richard Parker. Một con hổ Bengal trưởng thành, nặng hơn hai tấn. Nếu bạn chưa hiểu chênh lệch giữa một con hổ hai tấn với một cậu bé ở đâu thì chỉ cần tưởng tượng ra Richard Parker chỉ cần đập móng vuốt một cái là Pi có thể chết ngay lập tức. Ấy vậy mà cậu lại muốn chinh phục nó, muốn nó làm bạn với mình.

Hơn hai trăm ngày lênh đênh trên biển cậu và Richard Parker ở cùng nhau nhiều nhất, hai sinh linh mạnh nhất và thông minh nhất vượt lên khắc nghiệt của thiên nhiên để sống sót. Quãng đường đó là điểm cao trào trong phong cách viết văn của Yann Martel. Ông tả biển, tả nắng, tả gió, tả những con cá... đều đẹp tuyệt trần. Nhưng điều làm tôi kinh ngạc nhất là từng câu chữ của ông tỏa ra một thứ tuyệt vọng bi tráng, khốn cùng dù mọi thứ đến điểm đó vẫn đang rất ổn.

Điểm cuối của cuộc hành trình là khi thuyền tìm được bờ. Mối liên kết giữa hai sinh linh hoàn toàn đứt vỡ. Richard Parker bỏ Pi đi. Nó về với rừng. Còn Pi về với xã hội loài người. Cái xã hội chỉ tìm được cảm giác an toàn khi Pi vượt qua cơn bão biển với những kẻ ăn thịt người mà không phải là bốn con thú hoang dã. Cái xã hội đã nhẫn tâm cho rằng kẻ mạnh nuốt chửng kẻ yếu chân thật gấp ngàn lần chuyện con thú có thể dung nạp con người. Có lẽ bản năng đứng trên vạn vật khiến họ tin vào việc thú vật chỉ là lũ súc sinh vô thức, không thể thấy người sống mà không tấn công được.

Câu chuyện khép lại mở nhưng buồn. Pi sau này cũng có cuộc sống riêng nhưng quá khứ vẫn ám ảnh cậu. Nó như một bóng ma đã khắc sâu vào tiềm thức Pi. Điều buồn nhất, ám ảnh ghê gớm nhất có lẽ là việc chỗ dựa tinh thần cuối cùng – Richard Parker cũng bỏ rơi cậu. Nhưng suy cho cùng chẳng có cách nào để tình bạn kỳ lạ của Pi và Richard Parker được chấp nhận ở đây. Nơi của con người chẳng ai sẽ cho phép một điều kỳ lạ như thế hiện hữu. Dẫu cho tình bạn là một điều đẹp đẽ biết bao nhiêu.

Một điều mà mình thấy những bạn không thích quyển này có chung với nhau đó là : chưa đọc hết quyển sách. Mình phải thừa nhận là mình hiểu tại sao, đó là do phần đầu tiên của quyển sách ( quyển này được chia làm ba phần ) gần như vừa ít liên quan với câu chuyện, vừa chán. Người kể chuyện, nhân vật Pi trong phần một kể lể về những sự kiện trước đó, về tôn giáo, về mối quan hệ của anh với các loài động vật, về thảo cầm viên, blah blah blah... Cá nhân mình thấy cũng có vài đoạn trong phần một khá thú vị và đáng nhớ, nhưng sau khi đọc hết mình có thể tự tin nói rằng : Bạn có thể bỏ luôn phần một, chỉ đọc 2 phần còn lại và sẽ không bỏ lỡ gì trong câu chuyện vượt biển của Pi và chú hổ. Nói chung về tác phẩm này, mình thực sự ấn tượng, những gì Yann Martel viết thực sự cứ như ông đang nhìn con tàu cứu hộ của Pi và viết lại những gì đang xảy ra vậy. Cách viết rất thực và tự nhiên đến mức không ngờ làm cho tâm lý của nhân vật Pi được thể hiện rõ trong đầu người đọc.

Cuộc đời của Pi

Yann Martel

(đọc tiếp...)

Cuộc đời của Pi là một cuốn sách khi tôi hỏi những người đã từng đọc thì chia 2 phe rõ rêt. Bên khen thì khen hết lời. Bên chê thì phán một câu cụt lủn: Sách gì đọc không hiểu gì hết trơn.

Vì sao vậy? Bởi cuốn sách này nguyên phần 2 (2 phần 3 cuốn sách) là độc thoại của Pi và những chi tiết hư cấu huyền ảo, đa nghĩa. Tuy nhiên tôi rất thích cuốn sách này, thích những chi tiết hoang đường trong đó nữa bởi Yann Martel tả những tình tiết đó rất sinh động và gợi lên sự kinh ngạc....

Cuốn sách có 3 phần. Phần 2 lôi cuốn nhất, lạ thường nhất.

Phần 2 bắt đầu khi con tàu chở gia đình Pi bị đắm. Chỉ còn Pi, một con hổ Bengal, một con linh cẩu, 1 con ngựa vằn trên một chiếc xuồng cứu hộ... Để tồn tại nhiều sự việc bi thảm đã xảy ra với ngựa vằn và linh cẩu. Cuối cùng trên xuồng chỉ còn hổ Bengal và Pi.

Tuy không là bạn, nhưng cũng không phải kẻ thù, hai kẻ khốn khổ đó đã cùng nhau trải qua hơn 200 ngày trôi dạt trên biển, đói khát, khổ sở, có khi tưởng đã thoát nạn khi xuồng cập bến một hòn đảo xanh mát, trên đảo có hàng trăm hồ nước ngọt, có rất nhiều cá theo dòng hải lưu nào đó vào hồ, trên đảo có thức ăn, đêm đem hàng trăm ngàn con chồn biển chen chúc nhau. Hòn đảo tảo này là chi tiết lạ lùng kỳ ảo nhất trong cuốn sách. Những tưởng Pi và Hổ Bengal sẽ ở lại trên đảo mãi mãi. Vậy nhưng chính sự nhàm chán, đã rút hết sinh khí của họ. Cả hai lại lao vào đại dương để tìm kiếm đất liền dù chỉ với 1% hy vọng...

Với một niềm tin và hy vọng mãnh liệt cuối cùng chiếc xuồng của Pi đã cập đất liền sau bao ngày lênh đênh trên biển. Khi tới đất liền hổ Bengal đã ra đi không một lần ngoảnh lại nhìn.

Đây là một câu chuyện về sức mạnh niềm tin của con người. Trong một hành trình đầy cam go, với những hiểm nguy kề cận, chính niềm tin đã giúp Pi vượt qua tất cả...

Không chỉ là một quyển sách phiêu lưu thông thường, Cuộc đời của Pi là một tổng thể bao gồm các kiến thức về động vật học, những chiêm nghiệm triết học, sự lãng đãng hồi tưởng về tuổi thơ xen lẫn với những tình tiết sống động và chi tiết đến mức ám ảnh về một cuộc phiêu lưu vô tiền khoáng hậu.

Chuyến hải trình trên biển của Pi không mang vẻ đẹp lãng mạn của những tác phẩm kiểu Jules Verne, nơi những khó khăn được thi vị hóa thành chủ nghĩa anh hùng. Đây là một cuộc vật lộn khắc nghiệt và sinh tử, nơi mọi giới hạn về đạo đức và tính người bị mang ra thách thức, nơi rDanh giới giữa loài vật và con người trở nên mong manh. Người đọc không khỏi ngưỡng mộ kiến thức của tác giả, nhưng trên tất cả là thán phục trí tưởng tượng của ông. Dưới ngòi bút của Yann Marten, tác phẩm đã trở thành một bộ phim HD nơi bạn có thể hình dung rõ nét đến từng chi tiết như đang chứng kiến ngay trước mắt, và cùng với nó là sức ám ảnh mãnh liệt như thể chính bạn là nhân vật chính của câu chuyện. Có lẽ chính điều đó đã khiến cho cuốn sách này được yêu thích đến thế.

Tôi xem phim trước khi tôi quyết định cầm trên tay quyển sách này. Và tôi không hối hận.

Những điều tôi thấy được, nó là một cuộc hành trình không tưởng của con người, là khi con người vượt qua giới hạn của bản thân để đến được đích cuối cùng của sự sống.

(đọc tiếp...)

Pi- anh là một nhân vật tầm thường trong xã hội, anh có những suy nghĩ khác lạ thường hay đam chồi trong đầu óc non nớt của mình.

Đồng hành với nhân vật Pi của chúng ta, là một con hổ Bengal tên là Paker. Hai sinh mạng một người, một vật cùng nhau lang thang trên đại dương bao la và rộng lớn, và ở đây Pi thấy được nhiều điều kỳ diệu mà bản thân không ngờ đến. Cũng ngay tại đại dương này, anh có một người bạn đồng hành chẳng giống ai và cùng nó khám phá, cùng nó sinh tồn. Thật sự thì theo tôi, cuộc hành trình của anh là đã không tưởng rồi, vì vậy tôi cũng không quá bất ngờ với những bí ẩn tuyệt vời mà anh khám phá ra.

Những dòng chữ cực kỳ cuốn hút, sẽ lôi các bạn vào cùng với cuộc hành trình của anh. Đôi khi mệt mỏi, vì những khó khăn làm anh bỏ cuộc, nhưng sau tất cả anh có nguồn động lực lớn lao và thực hiện nó đến cùng.

Kết thúc câu chuyện sẽ làm các bạn bất ngờ, tôi chắc chắn, nó sẽ làm các bạn khựng lại vài giây và ồ! lên vì tìm ra được sự thật ẩn sâu trong từng con chữ.

Sau tất cả, thì đây vẫn là một cuốn sách đáng và cần được đọc. Sau tất cả, thì Pi có một đầu óc đến siêu phàm.

Thông tin chi tiết
Tác giả Yann Martel
Dịch giả Trịnh Lữ
Nhà xuất bản Văn Học
Năm phát hành 01-2014
Công ty phát hành Nhã Nam
ISBN 8935235201712
Trọng lượng (gr) 500
Kích thước 14.5 x 20.5
Số trang 446
Giá bìa 87,000 đ
Thể loại