
“Công lý thảo nguyên” là tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của Patrick Manoukian, được viết dưới bút danh Ian Manook, đã đạt nhiều giải thưởng danh giá: SNCF, Elle Polar, Quais du polar (năm 2014) và Audiolib 2015,… và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Câu chuyện xoay quanh về vụ bắt cóc cô con gái út của cảnh sát trưởng Yeruldelgger. Cô bé tên là Kushi và đã rơi vào hoàn cảnh khốn khổ đó chỉ vì bọn bắt cóc muốn vị cảnh sát kia phải dừng ngay các cuộc điều tra về vấn đề tham nhũng của những ông “tai to mặt bự” vốn quyền lực vô biên ở thảo nguyên Mông Cổ. Những vấn đề về tiền bạc, bất động sản và chính trị đã được đề cập hết sức chân thực trong “Công lý thảo nguyên” mà ở đó ta được chứng kiến một bộ mặt không mấy tốt đẹp của giới chức chính quyền và nạn tham nhũng hoành hành ở nơi đây.
(đọc tiếp...)
Thời gian 5 năm trôi qua như một cái chớp mắt bởi lẽ vụ án bắt cóc ấy vẫn chưa điều tra ra được. Vị cảnh sát trưởng sống trong cảnh đau khổ bởi vợ thì trở thành kẻ tâm thần vì mất đi đứa con gái một cách khó tin trong khi cô con gái lớn thì không thể dành sự thấu hiểu cho công việc nhọc nhằn của cha. Thêm vào đó, Yeruldelgger lại phải điều tra rất nhiều vụ án kỳ lạ khác. Nào là việc ba người đàn ông Trung Quốc bị giết chết với cách thức man rợ khi hạ bộ bị rạch xẻ không thương tiếc còn thân mình thì cũng bị khắc thành biểu tượng của chủ nghĩa quốc xã. Nào là việc một bé gái bị chôn sống ở một vùng thảo nguyên xa xôi, bên cạnh là chiếc xe đạp ba bánh màu hồng. Rồi đến vụ án hai cô gái bị cắt trụi tóc tai, vú cũng bị đục khoét thành biểu tượng tương tự như của ba người đàn ông kia,… Những vụ án rúng động và chẳng có chút manh mối nào đã mang lại sự mệt mỏi cho vị cảnh sát ấy. Nhưng đâu ai ngờ tất cả những án mạng ấy đều có sợi dây liên kết vô hình chặt chẽ nhằm phơi bày sự thật về những toan tính kinh khủng về quyền lực, địa vị và đất hiếm. Khi vị cảnh sát ấy phát hiện ra sự nhúng tay vào đường dây tội lỗi ấy có cả cảnh sát và thậm chí là cô con gái lớn của ông cũng đang trở thành một đối tượng bị lợi dụng để chống lại các phương án điều tra thì ông gần như biết bản thân đang phải đối diện với điều gì. Để có thể dập tắt đi mầm mống tai hại của nạn tham nhũng và bóc trần tội ác bẩn thỉu ấy đòi hỏi những nguồn sức mạnh tổng hợp từ các phương pháp điều tra hiện đại, phong tục tập quán của dân tộc và cả ý chí kiên cường của bản thân Yeruldelgger.
Có thể thấy tác giả Ian Manook đã xây dựng một tác phẩm hoàn hảo cho những bạn đọc mê trinh thám. Những chất liệu mới mẻ cộng với tư duy tuyến tính đặc biệt về thực trạng xã hội đang mang đến màu sắc tuy u tối nhưng đầy hấp dẫn trong “Công lý thảo nguyên”.