
Charlotte – David Foenkinoes
Xin chào các cậu, đã lâu lắm rồi nhỉ, từ ngày cuối cùng mình update. Dạo này mọi chuyện cứ loạn hết cả lên, deadline chạy từ trong trường ra ngoài trường. Mọi người dường như rất bận rộn. Sắp Tết rồi, cuối năm làm nốt rồi nghỉ cho đã nha.
(đọc tiếp...)
Cuốn sách này nằm trong thử thách đọc sách: một cuốn bản thân mình cho là khó đọc. Năm trước, ngay lần đầu tiên mở ra, mình bị bất ngờ trước cách tác giả thể hiện câu chuyện. Mỗi câu một dòng, cảm giác như chuẩn bị đọc thơ. Mình gấp lại luôn vì sợ đọc không nổi. Hôm nay, cuốn cùng cũng được đánh dấu “đã đọc” trên Goodread, mình mạnh tay cho 4 sao, không phải dựa trên thang điểm gì cao siêu đâu, chỉ đánh giá bằng cảm xúc của mình thôi, vì mình là người cảm tính mà :D
Câu chuyện của Charlotte Salomon được David Foenkinoes kể lại bằng một niềm ngưỡng mộ khôn nguôi, tới độ ông không thể viết liền hai câu liền mạch, mà phải “xuống dòng để hít thở”. David Foenkinos gặp gỡ tranh vẽ của Charlotte Salomon một cách tình cờ, rồi bị cuộc đời và tác phẩm của nàng ám ảnh. Ông theo dấu từng cột mốc trưởng thành, từng hoàn cảnh phát triển tài năng hội họa, cố gắng đi đến những nơi đã từng có sự hiện diện của nàng, cảm nhận bằng cả trái tim và tâm hồn như một kẻ bị bùa mê, bị “cú sét nghệ thuật” đánh trúng. Ông đưa Charlotte ra khỏi sự quên lãng của hậu thế trong thời điểm tài năng hội họa của nàng bị người ta vô tình lướt qua.
Charlotte Salomon là một họa sĩ người Đức gốc Do Thái, sống trong thời Thế chiến II. Tài năng của nàng được phát hiện ngay khi còn sống, nhưng không được coi trọng chỉ vì gốc Do Thái – những người bị áp bức, phải bỏ chạy khỏi quê hương, bị rình rập khắp mọi nơi, bị cho là “sứ giả của quỷ dữ” và “cặn bã của loài người”. Vẽ tranh là lối thoát cho nàng để sống sót trong một thế giới nguy hiểm và tàn bạo.
Bắt đầu bằng một câu nói ám ảnh, mà theo mình, là báo hiệu cho cả một cuộc đời thăng trầm (chủ yếu là trầm): “Charlotte tập đọc tên mình trên một nấm mộ”. Nàng nhỏ tuổi, được mẹ dẫn tới nghĩa trang, nơi có chốn yên nghỉ của nàng “Charlotte đầu tiên”, cũng là dì của Charlotte. Dì nhảy xuống sông để tự kết liễu mạng sống. Gia đình của nàng bị ám bởi cái chết. Từng người từng người đều lựa chọn ra đi bằng cách tự sát. Sau này, chính nàng cũng tự làm phép tính cho bản thân: 1940 + 13 = 1953. Nàng tính ngày được số phận an bài như mẹ, như dì, như bà ngoại.
Xuyên suốt cuốn sách, David Foenkinoes tỉ mỉ kể lại cuộc đời của Charlotte, cả trước khi nàng ra đời cho đến khi nàng đi xa một quãng thời gian đủ lâu để tài năng hội họa của nàng dần bị quên lãng. Không kể bằng sự hư cấu, câu chuyện của David Foenkinoes là kết quả của những năm tháng nghiên cứu, tìm tòi sự thật. Giọng văn của ông cũng thoát ra khỏi hình tượng hài hước, bỡn cợt để trở nên sâu lắng, trầm buồn như cuộc đời của Charlotte Salomon mà ông yêu mến.
Cuốn sách cho người đọc bước tới những năm Thế chiến II, trải nghiệm sự lo sợ bị tận diệt của những người Do Thái, theo từng bước chân của Charlotte Salomon từ khi tập tễnh tập đi, đến khi ngã xuống vì bị sát hại, khám phá một tài năng hội họa mà có khi bạn chưa từng nghe tên trước đây, sống và yêu một tình yêu lạ lùng mà mãnh liệt của nàng dành cho người tình, cảm nhận sự cô đơn và bế tắc trước những con người lạc lối bởi sự kiện xảy ra xung quanh. Tất cả những điều ấy là “Charlotte” của David Foenkinoes.
#bookstagramvn #nhanam #nhanambooks #bookstagram #bookphotography #bookworm #bookish #booklover #booknerd #bookaholic #bookreview #book #bookaddict #reading #Charlotte #DavidFoenkinoes #CharlotteSalomon #artist