
Tác giả: J.D.Robb. Dịch giả: Khắc Vinh
Thể loại: Trinh thám phương Tây, có chút tình cảm. Mức độ ưa thích: 10/10
(đọc tiếp...)
Bối cảnh truyện diễn ra ở thành phố New York năm 2056, những cô gái điếm hợp pháp bị giết, thi thể bị sắp xếp theo một kiểu nghi thức nào đó nhưng vẫn toát lên ẩn ý nhục mạ. Eve Dallas thuộc Trung Tâm Cảnh Sát tiếp nhận vụ án. Bản thân cô có một quá khứ đau thương và đen tối, nó vẫn ám ảnh cô trong giấc mơ hằng đêm. Nạn nhân đầu tiên là cháu gái của Thượng nghị sĩ, chính trị nhúng tay vào gây thêm nhiều khó khăn rắc rối cho cuộc điều tra. Chưa hết, Eve còn rơi vào vòng xoáy mê đắm với một trong các nghi can: Roarke – Chủ tịch + giám đốc điều hành của tập đoàn liên hành tinh Roarke Industries. Quá trình phá án diễn tiến hiệu quả nhưng khá chậm, trong khi cảnh sát đã được biết rằng kẻ sát nhân dự định giết đến sáu người.
Tên thật của tác giả là Eleanor Marie Robertson, còn có bút danh là Nora Roberts. Từng có một thời gian dài Biển chờ mùa sale để mua cuốn “Nhân chứng ẩn mình” của tác giả này, đến khi mua được thì chỉ đọc lướt rồi bỏ vì nó quá dở. Tuy vậy, khi tìm được truyện “Cái chết trần trụi”, dù đã biết tác giả là ai, Biển vẫn quyết định đọc thử và bị cuốn hút luôn.
Có lẽ xuất xứ từ niềm yêu thích đối với những gì Chưa Biết, Biển khá thích đọc truyện giả tưởng hoặc có bối cảnh vị lai (vị lai có phải giả tưởng không?). Trong “Cái chết trần trụi”, đầu thế kỷ 21 được nhắc đến như một thời kỳ xưa cũ nào đó. Con người ở năm 2056 có thể điều hòa sinh sản, điều chỉnh giới tính, cân bằng sinh học, phương tiện công cộng của người đi làm là “khí cụ bay”, có lẽ là một loại xe bay sử dụng từ trường như trong phim Star War. Điều khiến Biển thích thú nhất là nhà cửa được trang bị một con chó robot chuyên nấu nướng, gọi là AutoChef. Đường rất đắt tiền nên chất tạo ngọt nhân tạo được dùng để thay thế, cà phê thật cũng đắt tiền, được thay bằng thứ-gì-đó chiết xuất từ đậu. Mọi thứ đều điều khiển bằng giọng nói, kỹ năng gõ bàn phím thiện nghệ (như trong truyện “Sát nhân mạng”) trở thành một điều vô cùng đáng ngưỡng mộ. Tuy sống trong “thành phố thông minh” được IT hóa như thế nhưng khi có án mạng và hung thủ quá tinh ranh thì cảnh sát vẫn phải nỗ lực làm việc để nhanh chóng phá án.
Ai đã (lỡ) đọc “Nhân chứng ẩn mình” sẽ hiểu được cuốn đó có mức độ ngôn tình sến súa đến mức muốn vứt luôn sách, tính cách nhân vật chính cũng bị xây dựng không nhất quán. Rất may, trong cuốn “Cái chết trần trụi” này, tuy vẫn có ý kiến cho rằng các pha tình cảm nhiều quá, nhưng cá nhân Biển đã bị cuốn hút và đọc ngấu nghiến trong vòng hai ngày. Tuy câu chuyện vài lần khiến Biển liên tưởng đến tiểu thuyết tình cảm viết về bối cảnh miền viễn Tây nhưng thật sự là nó không nhảm cũng không sến. Nếu không biết trước tác giả là Nora Roberts, chắc chắn Biển không tưởng tượng nổi rằng “Cái chết trần trụi” cùng tác giả với “Nhân chứng ẩn mình”. Biển thấy cốt truyện ổn, văn phong cuốn hút, xây dựng tình huống hợp lý, tuy đoạn cuối hơi vô lý nhưng vẫn chấp nhận được. Biển thích cảm giác liên tục nghi ngờ và suy đoán ai là hung thủ, nếu cách đây vài năm thì chắc chắn Biển đã ngây thơ bị tác giả dắt mũi, nhưng giờ sau 4/5 truyện Biển đã đoán đúng hung thủ, tuy nhiên không đoán hết những chi tiết bi thương và khủng khiếp trong truyện.
Hai nhân vật chính tuy thuộc dạng soái ca ngự tỷ nhưng đọc không có cảm giác đang đọc ngôn tình Tung Cụa ca tụng nhân vật quá đà. Đặc biệt, Biển thích tính cách mạnh mẽ của nữ chính. Eve Dallas thuộc hình tượng nữ chính có quá khứ đau thương bất an, ảnh hưởng thường xuyên đến cuộc sống hiện tại đến nỗi cô bị mất ngủ, nhưng điều đó không gây trở ngại cho công việc cảnh sát của cô. Eve là hình mẫu người thi hành công vụ vô cùng có lương tâm, trăn trở vì những nạn nhân mình đã không cứu được và chưa cứu được, sẵn sàng chống lại cường quyền để công lý được thực thi. Good girl như thế nên dĩ nhiên là được yêu bởi một good man dưới lớp vỏ bad man *kaka*
Những câu Biển thích trong quyển này:
“Mặt trời chói rực như một thanh gươm nhưng không khí lại như cú táp của một đứa trẻ dằn dỗi”.
“Thật chẳng dễ gì để nhận được sự cảm thông giữa con người”.
“Cớm nói chung thì nên sống độc thân thôi”.
>> Biển đồng ý với câu này, có một số ngành nghề nên sống độc thân để tránh khổ sở cho chính mình và tránh liên lụy nhiều người khác.
“Cái chết trần trụi” được xuất bản năm 2010 nên hiện giờ không còn sách giấy trên các trang bán online, có thể tìm đọc ebook. Phần dịch thuật khá ổn giúp người đọc thoải mái thưởng thức câu chuyện. Hình bìa hơi ghê rợn và chưa chính xác lắm với nội dung truyện. Biển công nhận phần lớn truyện trinh thám do Nhã Nam chọn xuất bản đều là những cuốn rất hay, không mất đi giá trị dù nhiều năm đã trôi qua.
(Sea, 24-9-2019)