Giới thiệu sách
Được đóng góp bởi OBook Team

Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu (Tái Bản)

Mọi chuyện ở một trại tâm thần đầy quy tắc dường như đảo lộn khi  McMurphy xuất hiện. Bất trị như một chú ngựa hoang, hắn vào viện để trốn án lao động khổ sai và không hề có ý định cứu thế. Nhưng trong những ngày ở đó, cái phần tốt đẹp yêu tự do, thích tung hoành của hắn đã làm nên một cuộc cách mạng, tạo ra mối liên kết giữa những thân xác yếu ớt, những trí não bị tổn thương, nhắc họ nhớ về cá tính, về chính mình hoặc về những kẻ đã-từng-là-mình. Sự nổi loạn đó thách thức trật tự đạo đức giả mà Liên hợp áp đặt.. Cuộc chiến bất cân sức bắt đầu. Và rồi đúng như cuộc đời, kẻ yếu đã không thể thắng. McMurphy đã chết dữ dội như cách hắn sống, nhưng Liên hợp không giết được hắn, cũng không thể bắt hắn sống theo cách nó đặt ra...

Được tạo nên từ những trang văn vừa sảng khoái vừa bi thương,  Bay trên tổ chim cúc cu đã chạm tới những câu hỏi phức tạp nhất về tự do và khuôn khổ, cá nhân và hệ thống, bình thường và bất thường, sự tỉnh táo và điên loạn... Một best seller, một kiệt tác văn chương có mặt trong danh sách những cuốn sách vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi, làm chỗ dựa cho một trong ba bộ phim duy nhất trong lịch sử giải Oscar từng chiến thắng ở toàn bộ các đề cử quan trọng nhất,  Bay trên tổ chim cúc cu có sức mạnh của một tác phẩm không thể bị lãng quên.

Reviews 6

Cuốn sách :''Bay trên tổ chim cúc cu '' của nhà văn Ken Kesey viết về thế giới người điên và những diễn biến tâm lý cùng những cố gắng đến tột cùng để thoát ra khỏi những y nghĩ điên rồ của họ. Đọc xong cuốn sách, tôi đã hiểu lý do vì sao cuốn sách làm xáo động cả văn đàn nước Mỹ, thu hút được sự quan tâm của xã hội và nhanh chóng được chuyển thể thành phim, đạt được 5 giải Oscar và xếp thứ 33 trong 100 phim đáng xem nhất.

Cuốn sách khiến cho tôi suy nghĩ nhiều về khái niệm tự do và tù ngục, về điên dồ và bình thường. Tác phẩm chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc, nó đem lại đủ cảm giác: hào hứng, hồi hộp, phấn khích, buồn đau đến với bạn đọc. Cuốn sách bất ngờ đến mức khiến ta muốn vỡ tim. Đặc biệt ở chi tiết McMurphy nằm ngủ bên cửa sổ mở toang của phòng bênh tù ngục và bị mụ y tá cùng đồng bọn phát hiện ngay lập tức. Người ta tưởng rằng do hắn sơ suất, tuy nhiên chứa đựng trong đó là câu chuyện đầy cảm động khi luôn muốn mang đến tự do và niềm tin cho người xung quanh. Hắn không muốn trốn một mình, không ích kỉ tự đem đến tự do cho riêng mình mà muốn mang đến cho người khác. Hắn ở lại với hy vọng mong manh rằng sẽ thay đổi  được số phận các bạn tù xung quanh, tuy nhiên điều đó đã khiến y thất vọng lớn. McMurphy có thể coi là một ''thầy giáo'' vô cùng tận tụy vì đã truyền dạy cho những con người bên cạnh cách trở lại với cuộc đời, đánh thức họ để họ có thể biết tự bảo vệ và yêu chính bản thân mình.

(đọc tiếp...)

Cuốn sách là một trong những tác phẩm hay nhất trong số tác phẩm tôi đã đọc.

BAY TRÊN TỔ CHIM CÚC CU của Ken Kesey

8.5/10

(đọc tiếp...)

Người điên có phải là người điên khi được đối xử bình thường? Và người bình thường thì có bình thường khi bị đối xử như người điên?

Đã lâu mình không đọc tiểu thuyết, mà không hiểu vì sao mình cứ ngần ngừ với “Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu” mấy năm nay. Chắc cũng vì một kiểu sắp đặt nào đó mà bây giờ gần 30 tuổi mình mới được đọc quyển này, để hiểu nó hơn so với khi còn trẩu chăng?

Trong một nhà thương điên ở Oregon, những quy tắc mà mụ y tá Ratched dày công xây dựng cho đám bệnh nhân thần kinh đã bị phá vỡ bởi sự xuất hiện của McMurphy, một người điên so với những đứa bình thường nhưng lại quá bình thường so với bọn điên. Trái với truyền thống ở cái bệnh viện tâm thần này, McMurphy đối xử với đám bệnh nhân bằng một sự tôn trọng bình đẳng. Hắn ta nhìn thấy giá trị và vẻ đẹp ở những con người bị xã hội ruồng bỏ. Hắn quyết định phải để cho đám bệnh nhân được hưởng sự tự do mà cả đời chúng đã bị từ chối. McMurphy quyết định chống lại mụ y tá Ratched, chống lại bộ máy, và đạp bỏ mẹ hết tất thảy.

“Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu” là một tiểu thuyết điển hình về sự đấu tranh với chính quyền, sức mạnh của xã hội, là David và Goliath. Rất nhiều những hình ảnh biểu tượng và những nhân vật sống động thổi hồn cho cuộc kháng chiến của Ken Kesey. McMurphy chính là Jesus của cả đám bệnh nhân rệu rã. Mình không khỏi gắn bó với từng người trong đám họ, và ngấm ngầm mong họ chiến thắng từng trận, từng trận một.

[SPOILER]

Chief (Tù Trưởng) cũng là một nhân vật rất hay, mà trên phim đã bị lược bỏ hơi nhiều. Chief to lớn như một quả núi, nhưng lại luôn nghĩ mình rất bé nhỏ. Sau những chuyến phiêu lưu cùng McMurphy, anh dần dần lấy lại được kích cỡ thật sự của mình. Chief chính là sức mạnh của lòng tự trọng. Và đến cái kết, ôi thôi cái kết quá sức hay của “Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu”, Chief đã trở lại là một người khổng lồ thực sự.

❝ Three geese in a flock,

One flew east, one flew west,

One flew over the cuckoo's nest...

O-U-T- spells out...

Goose swoops down and plucks you out.❞

Con ngỗng McMurphy đã bay trên tổ bọn chim cúc cu hâm dở. Nó đã sà xuống quắp lấy Chief mà quẳng ra ngoài. Và cho dù sau cùng con ngỗng ấy đã bị đóng đinh lên thập tự giá, nó cũng đã giải thoát cho cả đàn chim cúc cu khỏi tổ, khỏi mụ Ratched, và quan trọng hơn hết là khỏi chính mình. 

Review 38:" Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu (Tái Bản 2017) " - Kiệt tác văn chương kén người đọc.

Cuốn này tui mua trong một lần tiki "sale điên" :V Đọc xong vẫn không hiểu sao cuốn này ít người đọc, review như vậy :V Có lẽ vì cái nhan đề nghe có vẻ củ chuối, quê quê nên ít bạn mua thì phải :V Mà phải công nhận, có lẽ hàng tồn kho nên ít bạn đọc, bởi vì chứa đựng giá trị tri thức cao nên kén độc giả, vì kén độc giả nên tồn kho =)) Vong tuần hoàn kín cmnr :V

(đọc tiếp...)

Vào vấn đề chính nào :V Sách kể về một  câu chuyện xảy ra ở một bệnh viện tâm thần - nơi không khí ảo não, nặng nề luôn bao phủ, nơi mà các con bệnh thực sự không những chẳng được chữa trị một cách hiệu quả mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ sống như một con người bình thường. Tất cả những gì họ phải làm là nghe lệnh , sợ hãi, cố không làm nổi giận nhân viên bệnh viện và mụ y tá trưởng Ratched :">  Bởi những con người ấy  biết hậu quả họ phải lãnh nếu  không tuân theo lệnh của mụ. Ratched, với biện pháp chia để trị,  quản lý các bệnh nhân, một cách thực sự hiệu quả. Như thể một chế độ độc tài, sử dụng quân đội và những đòn đánh vào tâm lý người dân, khiến họ hoàn toàn tin tưởng và tuân theo mọi lời nói của người cầm quyền tối cao.

Thế rồi tất cả chấm dứt khi McMurphy R.P. một tên tù nhân, vì không muốn phải lao động ở các đồn điền, đã tìm cách trốn vào đây. Đơn giản chỉ là sống thật với bản chất chính con người mình: điên cuồng, mãnh liệt, tràn đầy nhựa sống, thách thức mọi luật lệ, McMurphy thực sự đã khuấy động cả bệnh viện, nhiều lần khiến mụ y tá trưởng không thể kìm nén được cơn giận. Hắn thực sự đã giúp các con bệnh dũng cảm sống với con người thật của mình - điều mà hắn đang làm, điều mà trước đây không một con bệnh nào có thể làm được.

Bay trên tổ chim cúc cu có thể được nhìn nhận theo nhiều cách. Nếu chúng ta chỉ đọc lướt qua nó, nắm lấy những tình tiết chính, những tình tiết hồi hộp, cuốn sách sẽ dừng lại ở mức độ giải trí, vì câu chuyện mà Ken Kesey kể khá hay và hấp dẫn. Nhưng nếu chúng ta chọn lọc các chi tiết mấu chốt, nếu chúng ta suy ngẫm về diễn biến tâm lý của các nhân vật trong truyện, cuốn sách sẽ đến với chúng ta theo một phong cách khác.  :">

Tóm lại, đây là một cuốn tiểu thuyết đầy tính nhân văn, khiến cho bất kỳ ai đã từng đọc đều phải suy ngẫm. :"> 

Chúc các bạn đọc sách vui vẻ :V

P/S: Cuốn sách đã được chuyển thể thành phim và vô cùng thành công =))

Thỏ ngọc cung trăng.

1.

Tôi gọi McMurphy trong “Bay trên tổ chim cúc cu” là một kiểu antihero. Không biết như vậy có chuẩn không, nhưng tôi thấy ở hắn có nhiều điểm giống Deadpool, gã dị nhân làm mưa làm gió các phòng vé. Hình như Ken Kesey không viết nhiều sách hư cấu, nhưng một nhân vật như McMurphy thì quá đủ cho cuộc đời một nhà văn dám dấn thân. Vì sao là “dám dấn thân”? Ông đã từng làm vật thí nghiệm trong chương trình nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc kích thích lên người, trải nghiệm này đã giúp ông khắc họa thành công những kẻ điên cùng bầu không khí ma quái trong “Bay trên tổ chim cúc cu” – cuốn sách khiến người ta vừa cười như điên dại khi được hòa mình vào với một đám bệnh nhân tâm thần, vừa run rẩy trước sức dữ dội của từng tình tiết được dày công tạo dựng.

(đọc tiếp...)

2. Antihero

Vốn là kẻ giả điên để trốn lao động khổ sai, nhưng khi vào trại thì Mac là kẻ phi thường. Hắn mạnh mẽ và táo tợn, dám đổ cả máu cho những điều hắn tin tưởng. Chúng ta, những người bình thường, đôi khi không tin vào bản thân mình và không dám bắt tay thực hiện. Còn Mac thì vẫn trơ trơ ra khi bại trận và trả tiền cá cược rất quân tử. Hắn đâu có sợ bị người khác cười chê. “Tao đã thử. Quỷ tha ma bắt, ít nhất tao cũng đã thử, phải không nào?”

Mac là gã du thủ du thực, hắn thích cá cựợc, hút thuốc, chửi thề, quậy phá, khoe khoang những chiến tích… Luật lệ của Liên Hiệp luôn chặn hết mọi hướng đi của con người, và người ta dần thu bé bản thân lại để an toàn và chìm vào ngu muội. Chỉ có ý chí ham sống mới khiến ta to lớn hơn hình vóc vốn có. Và chỉ có Mac mới là kẻ có khả năng thổi hồn vào những cái xác biết đi trong trại thương điên.

Những cái xác không hồn kia đã sống lại và biết ghen tỵ với hắn khi Mac kiêu hãnh nhắc lại những năm tháng sương gió của mình với đủ loại kỷ niệm. Huyết quản của đám xác chết sôi sục, những bộ não bại liệt bỗng hoạt động và đặt ra câu hỏi: tại sao ta không thể giống như hắn, hay ta cũng giống như hắn nhưng đã quên mất chính mình. Cuộc đời Mac như một trường ca Odyssey! Và khi nằm trong tay Liên Hiệp thì hắn vẫn khiến Liên Hiệp phải điên đầu.

Ngay từ hôm vào trại, Mac đã kiên quyết đấu tranh đến cùng cho những thân phận ở đây. Hắn là người hùng, là chỉ huy của một cuộc nổi loạn suýt nữa thành công. Cuốn truyện về những kẻ điên yếu ớt bỗng mang màu sắc của thể loại truyện hiệp sĩ diệt ác phò nguy. Xiềng xích của Liên Hiệp có vẻ đã sắp bị vặn đứt. Đám máy móc của mụ Y tá trưởng cuối cùng đã chiến thắng, nhưng tinh thần hiệp sĩ thì không dễ dàng bị tiêu diệt. Mac chết trong sự điên cuồng dữ dội, như thể hắn muốn truyền nốt sức sống của mình cho người bạn, Thủ Lĩnh Bromdem.

3. Chiếc bàn chải

Truyện được kể dưới con mắt của một bệnh nhân tâm thần khác, Thủ Lĩnh Bromden, một người da đỏ bị người da trắng “mua quyền làm người da đỏ”. Bromden giả câm, trong mắt anh thì trại điên luôn tràn ngập sương mù. “Sương đặc đến mức tôi bị dềnh lên khỏi chiếc ghế và không còn phân biệt được đâu là phía trên, đâu là bên dưới… Tôi không nhìn thấy gì cả”. Thành ra người đọc đôi khi cũng nghi ngờ: phải chăng tất cả chỉ là do trí tưởng tượng của Bromden tạo ra.

Ta chỉ bị thuyết phục khi thấy trong Bromden vẫn có những phần rất NGƯỜI: những mẩu hình ảnh về tuổi thơ bên ngôi làng người da đỏ cứ lần lượt hiện về, rõ ràng và sống động. Bromden luôn cầm chiếc bàn chải khổng lồ, không hẳn anh đã biết lau dọn, có lẽ do anh muốn có cảm giác mình đang được cầm chĩa đâm cá giống ngày xưa. Vì dân làng và người thân của anh đã vĩnh viễn phải xa con sông Columbia tươi đẹp, họ trở thành những “mẫu vật sống” trong một bảo tàng lộ thiên khổng lồ do người da trắng xây dựng, ngày ngày “bắc cầu khỉ qua đập thủy điện hàng triệu đô và đâm cá trong hồ”…

Cuối truyện, thật hả hê khi Bromden phá cửa trốn đi theo cách Mac đã bày cho lúc trước và tìm đường về quê. Nỗi nhớ quê đã đưa anh trở lại làm một người bình thường. Nhưng rồi giữa màn đêm ấy, Bromden sẽ đi đâu để tìm những người thân cũ vì họ cũng đã “uống đến mức mất trí”? Cuộc sống mà người đàn ông da đỏ ấy thương nhớ đã đã mờ nhòa, bị méo mó theo cách mà Liên Hợp muốn…

4.

Câu chuyện nêu lên những câu hỏi nóng bỏng về quyền làm người, sự nô dịch, những khuôn khổ luân lý, về hai phần tỉnh-điên trong mỗi con người. Khoảng mười nhân vật chính với mười kiểu điên loạn, bệnh hoạn khác nhau làm nên một thế giới thực hư lẫn lộn, những cuộc tranh cãi không hồi kết, và một câu chuyện muốn có happy ending cũng chẳng biết phải kết thế nào.

Bộ phim “Bay trên tổ chim cúc cu” ra mắt năm 1975 đã được trao 5 giải Oscar quan trọng nhất (Big Five), cho đến nay vẫn xếp thứ 33 trong Danh sách 100 phim Mỹ hay nhất.

Thật may mắn khi tôi đã không chọn lầm, “Bay trên tổ chim cúc cu” – một tác phẩm phản ánh xã hội, con người quá xuất sắc, đến mức tôi phải tự hỏi tại sao mình lại không biết một chút gì về cuốn sách này. Tôi thích cách hành văn nhẹ nhàng và sâu lắng của tác giả. Ken Kesey có một cái nhìn rất hay về cuộc sống, đủ thông minh để chọn một đề tài mà trước giờ hầu như chưa ai thành công, đủ tài năng để chuyển đề tài của mình thành một tác phẩm xuất sắc chạm đến lòng người đọc.

Cách nhìn của tác giả rất hay, đôi khi những người điên mới là người tỉnh nhất, thật khó khăn cho tác giả khi nói câu này nhưng đúng. Câu nói này như hồi chuông cho những người tỉnh táo, cho những con người tỉnh táo mà hành xử còn thua cả một người điên.

(đọc tiếp...)

Luồng nhân vật mà tác giả xây dựng hết sức đa dạng, từ những người điên, những bác sĩ cùng những người thương đan xen với nhau một cách có chủ đích và bạn sẽ bất ngờ khi gặp một nhân vật không mấy đáng chú ý ở câu văn trước xuất hiện như một điểm sáng vào đoạn văn sau.

Một tác phẩm đáng đưa vào danh sách phải-có của người yêu sách.

Thông tin chi tiết
Tác giả Ken Kesey
Nhà xuất bản Nhà Xuất Bản Văn Học
Năm phát hành 09-2017
Công ty phát hành Nhã Nam
ISBN 2516399548514
Kích thước 16 x 24 cm
Giá bìa 100,000 đ
Thể loại