
“Lydia đã chết. Nhưng gia đình cô vẫn chưa biết điều này.”
Tôi đã hơi sốc khi bắt gặp mở đầu đầy bi kịch này của “Bao điều không nói” – Celeste Ng, mở đầu cũng như kết thúc cho một số phận, cho một gia đình, một mối quan hệ và cho cả câu chuyện - một cái chết mơ hồ.
(đọc tiếp...)
Nhưng cái kết đã cho trước này không làm chúng ta mất đi hứng thú với câu chuyện đâu! “Bao điều không nói” xoay quanh một gia đình Mĩ gốc Á, nhưng cái mà nó khai thác, phơi bày trước chúng ta không chỉ là câu chuyện về chủng tộc, về sự khác biệt, về cái gọi là “trắng” và “không trắng”.Nó còn hơn thế, là những biến động từ nhỏ nhất đến dữ dội nhất của cả một gia đình, trong suy nghĩ của các nhân vật mà cái chết của Lydia là đỉnh điểm, để rồi từ đây, sự thật dần được hé lộ: những bất đồng, áp đặt, rạn nứt, sai lầm và nuối tiếc,…
Câu chuyện không chỉ là hành trình đi tìm sự thật về cái chết của cô con gái ‘gồng gánh’ ước mơ của cả gia đình, mà còn là hành trình tìm lại bản thân cho mỗi nhân vật, và tìm cả một lời an ủi, lời giải thích cho Lydia – cô nàng nhân vật chính xấu số. Và rồi dần dà, chúng ta tự vấn, rằng, mình là ai? Ước mơ của mình là gì, mục đích sống của mình là gì? Và mình có đang theo đuổi mục đích đó không? Nếu không thì chúng ta đang lãng phí thời gian vào việc gì vậy? Hay ta chỉ đang dành trọn cả tuổi trẻ, thậm chí là cả đời người, cho một tương lai được-vạch-sẵn-với-không sự lựa chọn của chính mình, cho một ý nghĩ bồng bột nào hay cho ước mơ của người khác?
Một điều đặc biệt nữa khi hòa mình vào “Bao điều không nói”, là bạn sẽ không chỉ thấy một, mà rất nhiều hình ảnh của mình được phản chiếu qua các nhân vật và những hoàn cảnh khác nhau: một người phụ nữ, một người mẹ, người vợ, một đứa con mang trên vai ước mơ của cha mẹ; khi bạn gồng mình lên gánh ước mơ ấy hay lúc bạn đã thấm mệt, muốn buông xuôi…