
Từ xưa đến nay, bạo lực và giận dữ chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề. Mahatma Gandhi từng nói “An eye for an eye only ends up making the whole world blind” (tạm dịch: Nếu ai cũng báo thù bằng cách một mắt trả một mắt thì thế giới sẽ toàn là người mù). Bạo lực có thể nào xuất phát từ tình thương và sự che chở không? Nếu dựa vào thứ gọi là “tình cảm gia đình” mà tự cho mình cái quyền đối xử bạo lực với người thân thì Biển nghĩ hành động đó thật sai lầm, vừa hại mình vừa hại người, và chỉ đẩy mọi người vào cảnh chỉ còn thân thể tồn tại nhưng tâm hồn đã hoàn toàn mất đi.
Đã lâu rồi mới có một quyển sách đem đến cho Biển nhiều cung bậc cảm xúc như thế. Tuy mới vài tuần trước, quyển “Trảng đất trống” của Robert Dugoni đã khiến Biển khóc ba lần, nhưng chính quyển “Băng cướp Thụy Điển” này mới khiến Biển từ bất mãn, giận dữ chuyển sang thỏa mãn, rồi lại hoang mang suy tư đủ điều. Qủa thật, những quyển sách được viết bởi hai tác giả có những nét rất đặc sắc so với những quyển được viết bởi một tác giả. Nếu như ở quyển “Dị chủng”, từng dòng chữ bình thường cũng đem lại cảm giác bất an bồn chồn, thì ở quyển “Băng cướp Thụy Điển”, từng chương sách đều khiến Biển cảm thấy một sự giận dữ ngấm ngầm.
(đọc tiếp...)
Tính ra thì Biển đọc quyển này suốt ba tháng, từ tháng 3~5/2018, vì những đoạn đầu khiến Biển rất bất mãn và không muốn đọc tiếp. Một người vợ bị chồng bạo hành, một người phụ nữ khác thì chấp nhận lìa xa con mình để sống chung / để yêu một người đàn ông, người mà đem đến cho cô nhiều ngày giờ căng thẳng hơn là những giây phút yêu thương và an toàn. Nhưng rốt cuộc Biển đã lướt qua cảm giác bất mãn ban đầu để theo dõi tiếp quyển sách, càng về sau câu chuyện càng lôi cuốn. Tuy đầu sách có hai dòng mang tính chất rất đánh đố như sau “Điều này cũng chẳng lấy gì làm quan trọng. Nhưng cuốn sách này được viết dựa trên một câu chuyện có thật” thì Biển cũng không hoàn toàn tin là nó có thật. Nhưng dù có thật hay không thì đây vẫn là một câu chuyện rất ấn tượng.
Tưởng như bạo lực tràn ngập các vụ cướp, nhưng cá nhân Biển lại tập trung vào những tình tiết mà tính nhân văn được hé mở, tập trung vào những khoảnh khắc mà sự thiện lương còn nguyên vẹn chưa bị đánh mất. Chính những khoảnh khắc ấy đã lôi kéo Biển tiếp tục đọc. Những câu chữ miêu tả tâm lý tuyệt vời, cứ như người đọc đang được ở cạnh và chứng kiến trực tiếp từng khung hình. Đọc xong quyển này và những quyển khác của các nhà văn Thụy Điển, Biển chợt tự hỏi : chẳng lẽ ở một đất nước thuộc Châu Âu văn minh lại có tỷ lệ tội phạm và bạo lực cao như vậy sao, hay đó chỉ là tiểu thuyết?
Sách khá to, dày, đúng kiểu Biển thích. Bìa có màu sắc đẹp, thiết kế sáng tạo. Trình bày hoàn hảo, chữ in to rõ, dịch thuật rất tốt, không có lỗi chính tả hay lỗi đánh máy. Nhã Nam đã thành công rực rỡ khi xuất bản quyển sách này. Biển ít khi khen một cách quá mức như thế này, nhưng Biển buộc phải khen quyển “Băng cướp Thụy Điển” này vì không có chỗ nào để chê. Biển cho điểm 10/10 vì đây là một siêu phẩm xứng đáng với mức điểm đó, nhưng nếu kết cuộc của nó lạc quan hơn thì Biển sẽ cho điểm cao hơn, khoảng 14/10. Phần kết của câu chuyện này tuy tạm chấp nhận được nhưng càng gợi nhiều băn khoăn hơn trong lòng độc giả. Đây là một quyển sách xứng đáng có trên kệ của các mọt sách nói chung và các mọt trinh thám nói riêng.
(Sea, FB Camellia Phoenix, 5-2018)