Giới thiệu sách
Được đóng góp bởi OBook Team

Ba ơi, mình đi đâu? là một câu chuyện buồn và hơn cả nỗi buồn nhưng lại không thấm đẫm nước mắt. Cuốn sách khiến người đọc cảm thấy đau nhói mọi nơi song không vùi sâu trong ủy mị. Bởi đó là cách lựa chọn của Jean-Louis Fournier trong suốt cuộc đời làm cha của mình. Uất hận, than trách cuộc đời, nổi điên lên hay buồn bã... cũng không thể làm khác đi sự hiện diện của hai cậu bé luôn uống thuốc an thần mỗi ngày để yên lặng. Những đứa trẻ mắt nhìn không rõ, tai điếc, chân khoèo, lưng gù, xương yếu. Một đứa chỉ biết nhắc đi nhắc lại một câu hỏi "Ba ơi, mình đi đâu?". Một đứa suốt ngày nghĩ mình là một động cơ nên cứ kêu "brừm, brừm"... Sống trong thế giới ấy, người cha cần phải làm thế nào? 

Ông, Jean-Louis Fournier không giấu giếm những phút quẫn trí mình đã từng nốc rượu rồi phóng xe như điên để mong một tai nạn sẽ ập đến, từng có ý định vứt những đứa con ra ngoài cửa sổ. Ông chưa bao giờ nhận mình là một thiên thần để chịu đựng từng ấy nỗi niềm tan nát. Song người cha ấy không gục ngã. Hay nói đúng hơn hai đứa trẻ tật nguyền thúc giục ông cần phải vượt qua. Đó là cách người cha nhìn vào những thử thách khắc nghiệt bằng một cặp mắt khác. Đó là sự hài hước trong những điều cay đắng. Ông thấy các con mình không phải đi học, không phải nghe giảng, không phải làm bài kiểm tra, không phải chịu phạt. Ông nhìn thấy mình nhờ con được phóng những chiếc xe lớn, tránh được việc nộp phạt, có tiền từ trợ cấp tật nguyền của con, không phải lo lắng về định hướng nghề nghiệp tương lai... Ông, Jean-Louis Fournier luôn cố mỉm cười khi kể câu chuyện về hai đứa con, dẫu nụ cười ấy thấm đẫm vị mặn chát. 

Bằng thứ dư vị rất riêng ấy, ông, Jean-Louis Fournier, viết nên câu chuyện về hai đứa con tật nguyền. Thomas và Mathieu không bé nhỏ, không vô nghĩa bởi sự hiện diện của chúng buộc người cha ý thức về tình cảnh cuộc đời mình. Câu hỏi ngỡ như bâng quơ của một đứa trẻ không biết suy nghĩ "Ba ơi, mình đi đâu?" lặp lại như lời chất vấn dai dẳng về ý nghĩa tồn tại của một đời người: chúng ta từ đâu đến? chúng ta làm gì? chúng ta đi về đâu? Jean-Louis Fournier khiêm nhường trong câu chuyện của mình, không cố tô vẽ bản thân là một người cha mạnh mẽ. Ở cuối cuốn sách, đó là những lời tắc nghẹn "Tôi đã không may mắn. Tôi đã chơi trò xổ số di truyền học, tôi đã thua", "Cuối con đường tôi đi là ngõ cụt, phần kết cuộc đời tôi là bế tắc"... Nhưng, giống như Thomas và Mathieu, cuốn sách và nỗi bất hạnh của ông lại mang tới những nghị lực để nâng đỡ nhiều người. Như lời nhận xét của Christine Jordis, Trưởng ban giám khảo giải Fémina: "Một cuốn sách hướng con người đến cái Thiện". 

Mời bạn đón đọc.

Reviews 29

Đây là một câu chuyện khó đánh giá. Tôi không biết phải xếp nó vào dạng sách tự sự hay châm biếm, văn học hoặc phi văn học mới đúng nữa. Nhưng nếu có một cuốn sách khiến tôi tiếc nuối đã không đọc sớm hơn thì chắc chắn chỉ là Ba Ơi, Mình Đi Đâu?

Chắc hẳn trong chúng ta không thiếu người có mâu thuẫn hay khúc mắc với cha mẹ hoặc chính con cái của mình. Bạn biết đấy, điều đó thật bình thường. Thế nhưng Jean Louis lại không có được cơ may ấy. Bởi ông có một đứa con tật nguyền. Rồi lại một đứa nữa.

(đọc tiếp...)

Nếu việc có một đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã được định danh sẽ không giống mọi người, không có cuộc sống bình thường là tận thế thì tác giả có đến hai ngày tận thế. Chỉ cách nhau hai năm.

Mathieu xấu xí và Thomas xinh xắn đều là những đứa trẻ không bao giờ lớn mà chỉ già đi. Chúng là những đứa trẻ chỉ có rơm trong đầu và IQ chẳng bao giờ theo kịp tốc độ phát triển của hình hài. Thậm chí chúng còn không thể đứng thẳng mà nhìn bầu trời. Cha chúng hàng ngày phải lấy cờ lê mà mở những chiếc áo định hình với crôm sáng choang chúng bắt buộc phải đeo. Bóc hết lớp áo giáp đấu sĩ xuống hai đứa trẻ chỉ còn là những con chim sẻ gầy gò trụi lông đang run rẩy bất lực.

Nếu là bạn liệu bạn có chịu nổi không?

Vậy mà Jean Louis vẫn phải sống. Dù đôi khi ông từng nghĩ quẳng hai "cục nợ" này ra ngoài cửa sổ cho xong chuyện hay sẽ nhắm mắt và lao đi với tốc độ cao nhất trên đường với những đứa trẻ bé bỏng của ông ở ghế sau.

Tất cả mọi thứ, mọi việc ông làm đều thật kỳ lạ. Ông châm biếm mỉa mai ngay cả chính mình và những đứa con tật nguyền của ông, dù rằng chúng sẽ chẳng hiểu gì. Còn ông, dù tự giễu nhại để tìm niềm vui trong đặc quánh đau thương xung quanh nhưng dường như ông cũng không vui hơn được là bao. Cái cách mà ông hài hước hóa cả cuộc đời mình vẫn cứ phảng phất chút buồn bã khó kiềm chế được.

Tôi không biết phải can đảm tới chừng nào mới làm được như Jean Louis, dù nói thế nào ông cũng chưa từng bỏ rơi các con mình. Thậm chí ông đối mặt với bệnh tình của chúng bằng một nỗi ăn năn khôn nguôi vì đã "thua trước di truyền học" và sinh chúng ra không trọn vẹn như thế.

Ông đã can đảm tới chừng nào để đối mặt với cả thế gian, với những ánh mắt khinh khi, thương xót, mỉa mai hay căm ghét của người ngoài, những kẻ chẳng hiểu có đến hai đứa con tật nguyền là thế nào.

Ông rốt cuộc đã can đảm biết bao nhiêu mới đủ?

Khi hai đứa con nhỏ lúc nào cũng oặt ẹo, dãi dớt lòng thòng. Một đứa chỉ biết liên tục hỏi "Ba ơi, mình đi đâu?" mà không cần trả lời, còn một đứa liên tục phát ra âm thanh "brừm brừm" vì nghĩ mình là một động cơ.

Khi đứa trẻ thứ ba được hoài thai trong nỗi bất an kinh khủng.

Khi người vợ, người mẹ của đám trẻ bỏ đi khỏi cả gia đình.

Jean Louis chắc hẳn không phải một người cha tốt nhất trên đời. Nhưng tôi tin ông là một người tốt. Ít nhất ông yêu các con mình, dù chúng có ra sao.

Giữa các dòng tự sự về cuộc sống của ông và bọn trẻ thi thoảng ta lại thấy những đoạn ngắn gửi cho các con trai bé bỏng của ông, hay vài dòng viết về chính con người ông. Lối viết lộn xộn không khiến người đọc khó hiểu hay bức bối bởi nó được kết nối bằng tình cảm của chính tác giả cho các con của mình. Ông yêu chúng. Ông yêu Mathieu lưng còng xấu xí thỉnh thoảng thu hút sự chú ý của cha bằng cách ném bóng và kéo ông đi tìm giúp. Ông yêu Thomas nhận ra ba nó trong tivi dù mắt cậu bé mờ đục và IQ không đủ phù hợp với hình dáng bên ngoài. Ông thật sự yêu chúng mới có thể viết ra được như vậy. Từng dòng chữ tưởng như vô tri, câu chuyện ngỡ là rời rạc nhưng lại kết nối với nhau vô cùng hoàn chỉnh. Đó là một câu chuyện của tình yêu lớn lao nhất mà gia đình có thể dành cho nhau.

Tôi thích lối viết của Jean Louis Fournier, chất hiện thực trào phúng trong đó gợi tôi nhớ đến những nhà văn Việt Nam thế hệ trước. Dù rõ ràng họ khác nhau, phong cách lẫn chất văn đều không có điểm tương đồng nhưng cái nét trào trúng sâu xa luôn gợi trong tôi một cảm giác thân thiết đã lâu. Văn Jean Louis không là lối văn bóc trần xã hội mà nó mới chỉ bao trùm lấy bản thân ông, đưa ông ra làm nguyên mẫu cho chính mình phán xét. Nó kỳ lạ và buồn bã một cách êm ả như thể nó không nên thế mới đúng vậy.

Khi viết cuốn sách này hẳn tác giả cũng không chủ định nó sẽ được đón nhận như vậy. Nhưng những gì viết ra bằng tình yêu rồi sẽ tìm được chỗ đứng trong trái tim người đọc. Bạn có nghe không? Ông ấy đang khóc. Chừng nào bạn còn nghe thấy ông ấy khóc là chừng đó cuốn sách này còn ở trong lòng bạn. Tôi thì vẫn luôn lắng nghe tiếng khóc ấy, tiếng khóc day dứt của một người cha có hai đứa trẻ hoàn toàn khác biệt...

Sau khi đọc xong cuốn sách này, cuối cùng mình cũng hiểu được tại sao bìa trước cuốn sách lại là hai con chim bị che mặt còn bìa sau là một con chim bình thường nhưng mờ nhạt.

"Ba ơi mình đi đâu", nghe giống như chương trình "bố ơi mình đi đâu thế" mới được thực hiện mấy năm gần đây bởi vậy mình đã nghĩ rằng đây sẽ là một cuốn sách vui vẻ kể về những cuộc hành trình của hai cha con. Mình đã rất háo hức khi đọc nó. Nhưng nó lại nói rằng mình sai rồi, sai hoàn toàn. 

(đọc tiếp...)

Một người bố với hai đứa con tật nguyền lúc nào cũng chỉ hỏi  một điều duy nhất "ba ơi mình đi đâu" dù luôn luôn không hiểu câu trả lời. Cuốn sách này đã khiến tâm trạng mình chùng xuống khá nhiều sau khi đọc xong. Tác giả lúc nào cũng kể câu chuyện này với giọng tự giễu, tự mang hai đứa con tật nguyền và cả bản thân mình ra để gây cười nhưng mình chẳng thể cười nổi. Nếu mình ở vào hoàn cảnh như ông có lẽ mình sẽ không thể vượt qua được.

Đánh giá: 8.5\10

“Ba ơi mình đi đâu?” – Một người cha có cách yêu thương khác biệt và đầy nhân văn

Jean-Louis Fournier tác giả của cuốn sách, là nhà văn ăn khách hàng đầu tại Pháp. Là nhà văn trào lộng kiêm đạo diễn phim truyền hình. 

(đọc tiếp...)

Ngay khi cầm quyển sách này, mình đã tưởng trên cây là hai bông hoa màu đỏ. Nhưng, đó là hai chú chim nhỏ bé của Jean Louis Fournier, hai đứa con tật nguyền của ông. Đọc cuốn này bất kì ai cũng nhận thấy hai đứa trẻ Mathieu và Thomas mỏng manh quá, chúng yếu ớt kể cả thể xác lẫn tâm hồn. Cuốn sách mà luôn nhấp nhổm có sự ra đi – nhưng nó không thực sự là ra đi, chỉ là một lời chào tạm biệt. Đó là đến một vùng đất, một vùng trời thực sự dành cho những đứa trẻ - chúng chỉ giả bộ tật nguyền thôi vì ban đêm chúng sẽ là những chiến binh dũng cảm bảo vệ nhân loại – vì quá cao thượng, chúng cần một vỏ bọc thật tầm thường.

Hành trình suốt 30 năm lớn lên của hai đứa con Mathieu và Thomas, với sự bất bình thường về cái lưng còng và chỉ thích thú với trái bóng tròn của Mathieu hay miệng đầy dãi và cứ luôn miệng hỏi câu “Ba ơi mình đi đâu?” của Thomas, Jean-Louis Fournier đều nghĩ một cách tích cực và hài hước về những đứa con của mình. Nhiều lúc thấy như ông tự giễu bản thân, tự trách mình (suốt cuốn sách gần như ông toàn nhận lỗi về mình), nhiều khi là ích kỉ muốn vứt bỏ chúng đi. 

“Tôi đã không may mắn. Tôi đã chơi trò xổ số di truyền học, tôi đã thua”

“Cuối con đường tôi đi là ngõ cụt, phần kết cuộc đời tôi là bế tắc”

Nhưng rồi ông nhận ra, nuôi những đứa con mà đến mấy chục năm sau chúng vẫn như thế thật là dễ dàng. Và ông cũng nhận ra, dù chúng có là gì thì chúng cũng rất tuyệt đẹp. 

Christine Jordis, Trưởng ban giám khảo giải Fémina có nhận xét “Một cuốn sách hướng con người đến cái Thiện”. Chính vì thế, “Ba ơi mình đi đâu?” hoàn toàn xứng đáng với giải Femina năm 2008, một giải thưởng lớn ở Pháp. Với bất kì cha mẹ nào con cái đều là điều quan trọng nhất cuộc đời, cho dù chúng có tật nguyền, xấu xí hay hư hỏng sẽ không có người nào muốn bỏ rơi con mình. 

"Cuối con đường tôi đi là ngõ cụt, phần kết cuộc đời tôi là bế tắc."

Số phận trêu ngươi, nếu người khác có những đứa con khoẻ mạnh, hạnh phúc, thì tác giả lại có những 2 đứa con tật nguyền. Ông yêu chúng, tự hào về chúng, hy vọng về chúng, nhưng chúng đều làm ông thất vọng. Ông hụt hẫng, ghét chúng, nhiều lúc dường như đã đến mức bế tắc, nhưng có lẽ nhờ tình thương, tình máu mủ, ông đã vượt qua được và chăm bẵm chúng suốt hàng chục năm. Có ra đi, có mất mát, có những bước lùi. Nhưng tất cả qua đi, ông - hay chính là hiện thân của những người ba - vẫn gắn bó bên con. Nỗi đau âm ĩ qua từng con chữ, nhưng lại khiên người ta vẫn cố đọc tiếp, vì tình yêu, cũng là vì hy vọng những đứa trẻ ấy và ông bố vĩ đại của chúng có thể có kỳ tích xuất hiện, dù đến lúc kết thúc, không có ánh sáng hạnh phúc xuất hiện, soi sáng lên cõi lòng của họ.

(đọc tiếp...)

Tác giả là nhà trào phúng đen, bởi vậy giữamột thế giới nơi bóng tối ngự trị: thế giới của tật nguyền, của nỗi đau, của day dứt, của thất vọng… thì tác giả lại thắp lên cho cuộc sống nhưng tiếng cười châm biếm đến đau xót cõi lòng qua từng câu chữ. Ông tự châm biếm mình, châm biếm con nhưng thực chất chính là tình yêu con sâu sắc của cha.

Một cuốn sách rất mỏng và ngắn nhưng có thể vừa làm bạn khóc vừa làm bạn cười! Khóc bởi số phận nghịch cảnh, cười bởi chính lòng người! Ôi một tấm lòng cha mẹ trong thiên hạ!

Ba Ơi, Mình Đi Đâu ? (Où on va , papa ?) - Jean-Louis Fournier

Mình mua ' Ba Ơi, Mình Đi Đâu ? ' số cũng chỉ là vì hôm đó không còn nhiều tiền nữa cho nên lựa cuốn này vì nó rẻ nhất. Đúng là bìa sách không có mấy cảm tình thật nhưng cũng chả sao, có sách đọc còn hơn không. Thì mua thế thôi, không ngờ càng đọc thì lại càng thấy hay. Qua ' Ba Ơi, Mình Đi Đâu ? ' Jean-Louis Fournier đã cho chúng ta thấy một cái nhìn khác về những đứa trẻ bị khuyết tật và những đau đớn chúng và người thân của chúng phải chịu đựng. Trang viết của tác giả được lấp đầy bởi sự hài hước đen, tức là những câu văn châm biếm bản thân. Tác giả là cha của hai đứa con trai bị khuyết tật và có lẽ cũng bởi vì nó là một câu chuyện hoàn toàn có thật cho nên lời văn của Jean - Louis Fournier mới đượm buồn và nỗi tuyệt vọng như vậy. Theo mình nhớ thì quyển này rất mỏng và rất rẻ. Nhưng không phải cuốn nào mỏng và rẻ là cũng dở đâu.

Thông tin chi tiết
Tác giả Jean-Louis Fournier
Dịch giả Phùng Hồng Minh
Nhà xuất bản Nxb Hội Nhà Văn
Năm phát hành 12-2013
Công ty phát hành Nhã Nam
ISBN 8935235200920
Trọng lượng (gr) 198.00 gam
Kích thước 12 x 20 cm
Số trang 180
Giá bìa 38,000 đ
Thể loại