
Ác ý
Tác giả: Keigo Higashino
(đọc tiếp...)
Mở đầu tác phẩm cũng là mở đầu vụ án về cái chết của một nhà văn ăn khách, ông ra đi trong căn phòng khóa kín cửa và không khó để đoán được nguyên nhân cái chết, cũng như không khó để nhận biết được hung thủ. Đây là một cuốn trinh thám không đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm kẻ gây án, nó đặt trọng tâm nhiều vào động cơ gây án và đi tìm, lật mở những vết đen trong quá khứ tưởng chừng sẽ mãi mãi khép lại. Tôi đọc tác phẩm với một tâm trạng cảnh giác vì trước đó tôi nghe nhiều người bảo là độc giả sẽ bị đánh lừa, nhưng rồi dù sao cũng bị lừa, dù nhiều hay ít. Keigo thực sự rất tài tình khi lồng ghép vào câu chuyện nhiều tình tiết nhỏ, nhưng đủ sức dẫn bạn vào những cái bẫy mà ông đặt ra. Tôi đọc khoảng 300 trang trong vòng 2 giờ đồng hồ liên tục bởi vì không thể nào đặt cuốn sách xuống khi trong lòng vẫn còn nhiều khúc mắc, cứ thế, cứ thế, đồng hành cùng nhân vật khoét sâu vào từng mảng ký ức đóng bụi, để rồi nhiều lần cảm thấy ớn lạnh và rùng mình. Không như một số tác phẩm tôi đã bỏ dở trước đây, Ác Ý cuốn hút bằng từng câu chữ, bằng những dấu chấm hỏi lớn, Ác ý cuốn hút bởi tình tiết không quá dài dòng và lan man, có lẽ đây sẽ là bước ngoặc mang tôi tìm lại thưởng thức những tác phẩm xuất sắc khác của Higashino Keigo.
Không nói nhiều về vụ án, tôi muốn nói về tầng tầng lớp lớp những điều thú vị mà tác phẩm đề cập đến.
=> Ác ý. Trong mỗi con người đều có một phần gọi là sự ác độc, chỉ là nó to hay nhỏ và bản thân bạn có kiềm hãm được nó không. Ác ý có trong lời nói, có trong đời sống hàng ngày, có trong gia đình, xã hội. Ác ý như một tế bào ung thư, từ từ len lỏi và hủy hoại nhân cách con người, từ từ thấm sâu vào tiềm thức đến nỗi không thể cứu chữa, từ từ biến con người ta trở nên kinh tởm và đớn hèn, khi đó phần xấu xa trỗi dậy và chẳng thể nào quay đầu được nữa.
=> Vấn nạn bạo lực học đường, có rất nhiều tác phẩm đề cập đến vấn đề này, nhưng Keigo đã cho độc giả tiếp cận theo một hướng khác, một hướng mới mẻ và bất ngờ hơn, cũng như cho người đọc nhìn thấy một khía cạnh khác của tình trạng này. Bạo lực học đường chẳng thể nào thuyên giảm mà cứ thế tồn tại đâu đó trong lòng xã hội, tạo nên một vết nhơ trong bất cứ nền giáo dục nào.
=> Về ảnh hưởng của cha mẹ đến con cái. Như tôi đã nêu ở trên, ác ý có trong cả gia đình, trong cách nuôi dạy hoặc qua hành động của các thành viên trong gia đình với nhau. Chẳng có gì bất ngờ khi nhân cách xấu xí của cha mẹ ảnh hưởng và giúp hình thành nên nhân cách xấu xí của những đứa con.
Khép lại tác phẩm này, còn vài điều tôi hơi lấn cấn nhưng không thể phủ nhận đây là một tác phẩm hay.