Review sách Chiến Binh Cầu Vồng
Gấp cuốn sách lại mà Boog vẫn không khỏi bùi ngùi.
Cái câu tưởng chừng như đơn giản ở trong hiến pháp “Mọi công dân đều có quyền học hành” ấy lại không hề dễ dàng đối với những đứa trẻ nghèo ở Belitong.
Khát khao con chữ, với bao nhiêu ước vọng nhưng chặng đường để đến được với những con chữ cũng không hề đơn giản. Một ngôi trường nghèo nàn, xập xệ thiếu thốn mọi bề nhưng lại là ánh sáng đem lại niềm tin cho những đứa trẻ nghèo. Nhờ tâm huyết và lòng quả cảm của thầy Harfan, cô Mus cùng những đứa học sinh được gọi là đội Chiến Binh cầu vồng mà ngôi trường người ta luôn muốn xoá bỏ ấy vẫn tồn tại.
Cái ngôi trường ấy là một phần tuổi thơ dịu ngọt xoa dịu bao đau đớn giữa cuộc sống vất vả của những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình lao động nghèo khi cái ăn, cái mặc còn khó khăn nói chi đến chuyện học hành.
Boong thực sự rơm rớm nước mắt khi đọc tới đoạn Lingtang sau mấy ngày nghỉ học đã gửi thư cho cô Mus nói rằng “Cha em mất rồi. Ngày mai em đến trường chào cô và các bạn”
Là một cậu học trò tài năng thiên bẩm, thông minh, ham học. Dẫu có khó khăn, vất vả bao nhiêu cũng không bao giờ bỏ một buổi học nào, dẫu cho ngôi trường sắp bị xụp đổ thì Lintang vẫn không hề nao núng, vẫn đến lớp đội nắng đội mưa để theo đuổi việc học.
Gắn bó với ngôi trường với bao nhiêu ký ức về bạn bè thầy cô cùng nhau vượt qua bao gian khổ, đấu tranh vì sự tồn tại của ngôi trường nhưng giờ đây em vẫn phải lìa xa. Số phận trớ trêu, cha em mất, đồng nghĩa với việc em phải thay cha gánh vác việc gia đình. Em phải lao động kiếm tiền nuôi sống gia đình 14 miệng ăn. Việc cơm áo gạo tiền đã vùi dập, đánh mất đi một tài năng thực sự, để lại bao nhiêu sự tiếc nuối.
Chiến binh cầu vồng là một bài ca đẹp về tình bạn, tình thầy trò cao quý. Không chỉ có những khó khăn mà Chiến Binh Cầu Vồng còn có những trò nghịch ngợm, nô đùa hay mơ mộng của tuổi học trò, còn cả những rung động đầu đời về một cô gái có móng tay đẹp. Của sự ngây thơ khi tin vào những phép thuật có thể thay đổi điểm số học tập của một pháp sư để rồi chỉ nhận được câu:” Nếu các người muốn thi đậu. Hãy mở sách ra mà học đi”
Ở Chiến Binh Cầu Vồng còn là bức tranh về sự phân hoá giàu nghèo khi khắc hoạ hình ảnh một ngôi trường như cái nhà kho cũ nát với cuộc sống xa hoa giàu có của những người sống ở nơi được gọi là Điền Trang. Còn là bức tranh về cuộc sống của người dân ở đất nước nhiệt đới nghìn đảo với đầm lầy, cá sấu, hay các loài bướm đêm, các loài chim sặc sỡ ở các cánh rừng nhiệt đới.
Giờ Boog đã hiểu vì sao Chiến Binh Cầu Vồng lại là quyển sách có tầm ảnh hưởng sâu rộng như vậy trên đất nước nghìn đảo Indonexia.
