Review sách Điểm Đến Của Cuộc Đời
Một buổi tối muộn, mình đọc Điểm đến của cuộc đời, cuốn sách mới của bác Giang. Mới đầu chỉ nghĩ đọc khoảng 100 trang rồi đi ngủ nhưng càng đọc càng cuốn hút và cuối cùng là đọc hết cuốn sách. Nếu để hỏi về cảm xúc của mình sau khi đọc sách, có lẽ chính là sự trống rỗng. Mình nằm xuống giường, nhìn lên trần nhà, sau đó nhắm mắt lại như một cỗ máy vận động theo cơ chế của gene. Cuống cùng, mình nhắm mắt lại và tự hỏi: “Sáng mai, mình có còn mở mắt?”
Cái chết – Sự thật duy nhất của cuộc đời
Thực lòng, những kiến thức bác Giang đưa vào trong Điểm đến của cuộc đời không mới, thậm chí nó còn cũ kỹ với mình. Chắc là bởi mình ám ảnh cái chết từ bé. Sự ám ảnh của mình bắt đầu từ đâu?
Từ ngày cậu Hiền mất, căn nhà vẫn còn nguyên những đồ đạc cậu dùng, nhưng người ta nói cậu chết, nghĩa là cậu biến mất khỏi cuộc đời. Từ ngày mà mình vào chùa và học được triết lý vô thường của cuộc đời. Có sinh, ắt có tử, phận người mong manh. Từ ngày mà trí não mình thấm đẫm âm nhạc của Trịnh, thứ âm nhạc hát về cái chết nhưng thấm đẫm sự sống. Từ ngày mà chú Tứ mất, từ ngày mà ông mất.
Mình đã chuẩn bị rất nhiều năm cho cái chết của mình. Mình thường nhìn bố mẹ rất nhiều lần trước khi ra khỏi nhà. Ai mà biết được, mình có còn về hay không? Chính vì tâm thế đó, mình đọc cuốn Điểm đến của cuộc đời như đọc một cuốn nhật ký, khái quát lại một sự thật duy nhất: “Chúng ta đều chết.”. Sự thật mà khi bạn nói ra thì ai cũng chối từ và bảo “dở hơi à”, “hâm à”, “suy nghĩ tiêu cực”. Nhưng thực ra cái chết nào phải cái gì đó xa xôi, chúng ta có thể chết ngay bây giờ.
Điểm đến của cuộc đời bàn về cái chết, với mình không mới. Nhưng mình cảm động, cảm động bởi lẽ…Tất cả những người mình yêu thương rồi sẽ chết và mình cũng vậy. Giống như mình luôn luôn nói với mẹ: “Con luôn nghĩ rằng cái chết là sự công bằng duy nhất ở đời. Chúng ta không thể mua chuộc nó bằng bất cứ cách nào. Và sau khi chết, chúng ta trở về đúng bản chất của mình. Không ai chỉ ra rằng chúng ta giàu hay nghèo, xinh đẹp hay xấu xí…Chúng ta chỉ là người chết”.
Tri thức mới về good death
Chúng ta luôn cố vươn tới good life (cuộc sống tươi đẹp) và sợ hãi death (cái chết). Chết trong mắt chúng ta không có tốt đẹp hay không tốt đẹp. Chết nghĩa là tận cùng, là chẳng còn gì để cứu vãn, là tệ nhất. Nhưng mình thực lòng muốn nói với bạn. Sống có nhiều kiểu và chết cũng thế.
Trong triết lý nhà Phật, có câu: “Đau một giây, chết một giờ”. Đó là mong cái đau của sự chết qua nhanh. Bởi vì ai cũng chết thôi. Nhưng sự đau của mỗi người là khác, nhau. Mình tuy không được đồng hành một cách sâu sắc như bác Giang với người cận tử. Nhưng mình có thể lấy ví dụ thế này. Có một số người đau ốm vài tháng đã mất, thậm chí có một bác phật tử bên chùa mình theo chỉ ngủ và chết, tựa như cái chết với bác chỉ là giấc mộng. Còn ông mình, mất 5 năm để chết. Ông nằm trên giường 5 năm, chịu đủ thứ khổ sở vì không thể tự chăm sóc lấy những điều cơ bản của con người như ăn uống, tắm, vệ sinh…Và chịu đủ những thứ mà mình bất lực vì con cái. Những lúc cuối đời, ông mong chết, mong chết lắm. Mình hiểu.
Từ đó, mình cứ tự hỏi: “Làm sao để có thể chết một cách tốt hơn?”. Nhiều lúc mình sợ nói ra suy nghĩ này, người ta sẽ nghĩ mình điên. Hiện tại, mình chẳng có bệnh tật gì cả, cao 1m62, nặng 52kg, gương mặt bầu bĩnh với làn da trắng hồng, một thân thể còn mượt mà và đẹp đẽ. Mình đi spa mỗi tuần, chăm sóc da và luyện tập mỗi ngày. Nếu hỏi rằng, mình có yêu mến thân thể này không? Có chứ, nhưng theo tự nhiên mái tóc dày của mình mà người ta ngưỡng mộ sẽ trở thành hoa râm, mình sẽ không cao 1m62 nữa vì già bị chùn xương xuống, da mình sẽ nhăn nheo, số đo các vòng không chuẩn, cơ thể mình sẽ đầy rẫy các loại bệnh tật. Mình biết nó sẽ đến, vào một ngày nào đó. Nên mình chuẩn bị tinh thần sẵn. Ít nhất, mình làm được một thứ: “Mình không sốc”.
Nhưng mình mới chỉ nghĩ được đến chỗ đó. Mình chưa nghĩ xa được như việc Điểm đến của cuộc đời đề cập, đó là “good death”, một cái chết giảm nhẹ sự đau đớn cho cả người chết và gia đình. Bác đề cập tới những vấn đề mà nó vẫn ở đó, chỉ có điều không để ý đến:
– Quyền được giảm nhẹ đau đớn trước khi chết bằng cách dùng morphines. Trước đây mình có bàn với mẹ, nếu bất cứ ai trong gia đình mình bị ung thư. Việc đó, nghĩa là chết. Thì gia đình thống nhất sẽ mang về nhà và tiêm morphines, giảm bớt đau đớn và không tiếp nhận bất cứ việc trị liệu gây đau đớn nào nữa. Nhưng sau khi đọc về trường hợp của chị Vân trong sách của bác Giang, mình bàng hoàng. Morphines lại là một bài toán khó khác. Và lạy chúa tôi, nhà nước và xã hội lo lắng người cận tử bị nghiện. Nhưng ai cũng có quyền nghiện trước lúc chết.
– Thái độ của gia đình và bạn bè trước người cận tử. Có phải cứ nhất thiết bắt họ “Cố lên” rồi tảng lờ mọi mong muốn của họ, cuối cùng để họ chết với đủ các thứ dây rợ cắm trên người? Có phải nhất thiết tảng lời sự thật là người cận tử sắp chết và nói họ rằng “Nói vớ vẩn, chết sao được”? Có phải nguyện vọng của họ như được hiến tạng hay thiêu xác là vô lý? Người cận tử cần lắng nghe. Đó là mong muốn lớn nhất của họ.
– Làm thế nào để có một cái chết trọn vẹn cũng đáng để suy ngẫm như việc làm thế nào để sống một cuộc đời trọn vẹn. Tất cả chúng ta đều được dạy phải sống như thế nào nhưng chưa ai trực tiếp dạy chúng ta phải chết như thế nào. Và thế là cả nhân loại bị cái chết đánh úp, man dợ và đầy đau đớn.
Tri thức mới về good life
Cái chết đặt ra câu hỏi rằng thế nào là sống? Như bác Giang đã đặt ra câu hỏi với Liên, cô trả lời:
Với em, một cuộc sống có ý nghĩa là một cuộc sống em không bao giờ bỏ cuộc. Em cố gắng để có được kết quả không thể nào tốt hơn, và rồi nhìn nó mỉm cười và chấp nhận.
Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta luôn nghĩ rằng chỉ cần chúng ta cố gắng thì mọi thứ đều có thể. Bởi lúc đó, cây vẫn xanh, đất vẫn màu mỡ và mọi loại quả chúng ta hưởng đều là trái ngọt của nhân gian. Như Hazlitt, triết gia, nhà thơ, nhà phê bình kịch, viết như vậy vào năm 1827 tại London.
Là người trẻ, chúng ta luôn sống trong cảm giác vĩnh cửu, điều có thể đền bù lại mọi thứ. Cái chết, tuổi già, chúng là những từ không có ý nghĩa, một giấc mơ, một điều hư cấu, không liên quan gì tới ta.
Nhưng cuối cùng cái chết đều đến, không ai tránh được. Chúng ta phải có cách thỏa hiệp với cuộc đời không vẹn toàn này, bằng cách chọn một cái chết tốt hơn, tốt hơn so với trên thực tế, bằng cách giảm nhẹ đau đớn. Và trên hết, chúng ta phải tìm cho mình một ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta phải trả lời được câu hỏi cho chính mình: “Ta có mặt trên đời này. Có một ý nghĩa nào không? Hay chỉ là một hạt cát, biến mất vào hằng hà sa số những hạt cát khác”.
Điểm đến của cuộc đời có đề cập đến hiến tạng, một chủ đề vừa mới vừa cũ. Chính bản thân mình đối với hiến tạng cũng còn nhiều e ngại. Vì sao e ngại? Vì trong sách bác gIang cũng nói đến, đó là tâm lý của người Việt Nam, chết là phải toàn thây. Chết mà không toàn thây là người chết không được an nghỉ, người gia đình sống không yên ổn. Dĩ nhiên, mình là thế hệ mới và không còn tư tưởng này nữa. Nhưng những gì còn lại từ thế hệ trước vẫn là những thứ khó có thể bước qua. Nhưng qua cuốn sách này, bác Giang đã lược bỏ đi nhiều hơn phần e ngại của mình đối với hiến tạng.
Sau cùng, chúng ta vẫn có sự tự do của mình, kể cả đó là cái chết. Ở cuối cuốn sách, sau trường hợp chị Vân, bác Giang có đưa gia đình đi tới chỗ đăng ký hiến tạng. Cái chết của chị Vân đau đớn và kịch liệt nhưng thứ chị để lại cho cuộc sống còn dữ dội hơn thế. Ai đó sẽ có đôi mắt của chị, chị truyền cảm hứng cho gia đình bác Giang và cho mình. Có lẽ, có thể cả những độc giả ngoài kia nữa.
Điểm đến của cuộc đời là cuốn sách giản dị. Chỉ là để ghi chép những ngày cuối cùng của những người cận tử, những quyết định không biết phải quyết định ra sao, những người lớn không trả lời được câu hỏi của con trẻ, sự bất lực của con người, sự bất toàn của cuộc đời…Nhưng Điểm đến của cuộc đời không bi quan. Cuốn sách chỉ ra rằng hãy nhìn cái chết ngang bằng với sự sống. Sống đẹp, hãy chết đẹp. Sống sướng, chết đừng quá đau đớn. Như bác Giang đã nói trong cuốn sách, chúng ta phải thay đổi khái niệm về anh hùng. Anh hùng là những người chiến đấu dũng cảm để sống, nhưng anh hùng hơn nữa là dám nhìn nhận cái chết.
